2019 - năm buồn với nhiều hãng hàng không thế giới
Năm 2019 ghi dấu sự thất bại tột cùng của các hãng hàng không trong lịch sử ngành này khi số lượng các hãng phá sản tăng đột biến...
Báo cáo vừa công bố của Công ty Tư vấn hàng không IBA cho biết, năm 2019 ghi dấu sự thất bại tột cùng của các hãng hàng không trong lịch sử ngành này khi số lượng các hãng phá sản tăng đột biến, điển hình là sự sụp đổ của Hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ, Tập đoàn lữ hành Thomas Cook của Anh và Avianca của Brazil.
Sẽ còn nhiều vụ phá sản trong quý cuối
Trong danh sách các hãng hàng không phá sản, IBA liệt kê những cái tên như Aigle Azur và XL Airways của Pháp, Germania, Flybmi và Adria của Slovenia. Giám đốc điều hành IBA, ông Phil Seymour, nhận định, sẽ có thêm nhiều hãng hàng không “ở chiếu dưới” phá sản trong quý sau cùng của năm 2019 trước áp lực cạnh tranh về giá vé rẻ, chi phí nhiên liệu tăng do căng thẳng leo thang giữa Mỹ, Iran và Venezuela cũng như ảnh hưởng của đồng USD cao. Sự thua thiệt của các hãng hàng không châu Âu ở chỗ vé được bán bằng đồng EUR, bảng Anh, song các hãng hàng không lại mua nhiên liệu và máy bay bằng đồng USD.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày một leo thang (ảnh hưởng đến lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không), nhiên liệu tăng giá và dòng máy bay Boeing 737 Max vẫn bị ghim trong kho sau hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra… ngành hàng không toàn cầu chắc chắn khó tránh khỏi 1 năm tệ nhất trong 5 năm qua.
Trào lưu khuyến khích ngừng đi máy bay để bảo vệ môi trường ở một số nước châu Âu có khả năng mang đến sự thay đổi tiêu cực cho các hãng hàng không. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đang bị “canh me” mức thải khí dioxide carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Ngành vận tải hàng không hiện đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn so với các ngành vận tải khác, góp phần làm Trái đất nóng lên và gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, các siêu bão và sự gia tăng mực nước biển. Hãng Air France (Pháp) ngày 1-10 thông báo, sẽ bù đắp hàng triệu EUR do việc hơn 500 chuyến bay trong nước mỗi ngày của hãng này phát thải khí dioxide carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Điều kiện cho đại gia thâu tóm
Báo cáo của IBA chỉ ra thực tế việc nhiều hãng hàng không phá sản lại tạo cơ hội cho những hãng hàng không “ở chiếu trên” thu mua máy bay và giành được quyền khai thác các tuyến đường bay bị bỏ trống do các công ty khai thác trước đó phá sản. Cụ thể, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Âu Ryanair cho biết, hãng đang tìm cách tiếp quản các máy bay A320 của Thomas Cook và điều chuyển cho hãng hàng không Lauda của Ryanair ở Áo khai thác bay.
Tuy nhiên, giới phân tích khuyến cáo các nhà đầu tư nên “thắt chặt dây an toàn” và chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm khó khăn trong bối cảnh các chính sách bảo hộ cũng là yếu tố chính có thể sẽ khiến khả năng đạt lợi nhuận trở nên khó khăn.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-10 thông báo, đã mở một cuộc điều tra sâu rộng về tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing của Mỹ vi phạm luật chống độc quyền thông qua những kế hoạch nhằm thiết lập dự án liên doanh với hãng chế tạo máy bay lớn thứ 3 thế giới là Tập đoàn Embraer của Brazil. Cơ quan chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, EC quan ngại “giao dịch này có thể loại Embraer khỏi vị trí nhà cạnh tranh toàn cầu lớn thứ 3 thế giới trong nền công nghiệp chế tạo máy bay thương mại”.
Giới phân tích cho rằng, động thái trên của giới chức châu Âu có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối quan hệ thương mại Mỹ - EU vốn đang căng thẳng liên quan phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép Washington áp đặt các mức thuế trừng phạt hàng hóa xuất khẩu của châu Âu do cho rằng khu vực này trợ giá cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Theo thông báo mới nhất, từ ngày 8-10 tới, Mỹ tiếp tục áp thuế 10% đối với các loại máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/2019-nam-buon-voi-nhieu-hang-hang-khong-the-gioi-620917.html