2021 trở thành dấu mốc đầu tiên của những sự kiện nào?

Trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện lần đầu tiên xảy ra mang ý nghĩa và mức độ ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu.

Nhân dịp cuối năm, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc đầu tiên trên thế giới diễn ra trong năm 2021 do New York Times bình chọn và đăng tải.

1. Máy bay không người lái được triển khai để tấn công con người

STM Kargu-2 có khả năng tự động tấn công mục tiêu

STM Kargu-2 có khả năng tự động tấn công mục tiêu

Theo báo cáo Liên Hợp Quốc, máy bay Kargu-2 do một nhà thầu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được triển khai để truy lùng và bắn tử vong con người trong cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và nhóm vũ trang ly khai tại Libya hồi tháng 3.

>

Đây được cho là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà không hề có sự can thiệp của người điều khiển.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc làm gia tăng nỗi sợ hãi về mối đe dọa nghiêm trọng với nền văn minh nhân loại của AI và robot.

2. Não bộ con người được kết nối không dây với máy tính

Một người tham gia thử nghiệm kết nối bộ não với máy tính

Một người tham gia thử nghiệm kết nối bộ não với máy tính

Các nhà khoa học tại Đại học Brown (Mỹ) kết nối thành công não người với máy tính thông qua thiết bị truyền phát.

Các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, bị mắc chứng liệt, có thể di chuyển các chi giả qua việc tưởng tượng ra hoạt động của các bộ phận này. Đây được coi là bước tiến quan trọng có thể cải thiện cuộc sống của các bệnh nhân bị chấn thương tủy sống.

3. Mexico lần đầu có nghị sĩ là người chuyển giới

María Clemente García, một trong hai nghị sĩ chuyển giới đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mexico. Ảnh - AFP

María Clemente García, một trong hai nghị sĩ chuyển giới đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mexico. Ảnh - AFP

María Clemente García và Salma Lúevano là những nghị sĩ chuyển giới đầu tiên được bầu vào Hạ viện của Quốc hội Mexico.

Cả hai đều là thành viên của đảng cầm quyền của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador và đưa ra cam kết hỗ trợ giải quyết tình trạng đói nghèo cũng như các vấn đề quan trọng với cộng đồng LGBT.

4. Công nhận đại dương thứ 5 trên thế giới

Nam Đại Dương được công nhận là đại dương thứ 5 trên thế giới. Ảnh - NYTimes

Nam Đại Dương được công nhận là đại dương thứ 5 trên thế giới. Ảnh - NYTimes

Vào Ngày Đại dương Thế giới (8/6), National Geographic chính thức công nhận khu vực biển bao quanh châu Nam Cực là đại dương thứ 5. Tổ chức này cũng đã xuất bản bản đồ mới có tên của đại dương mới này là Nam Đại Dương.

5. Richard Branson trở thành người thường đầu tiên bay vào không gian bằng tàu vũ trụ của riêng mình

Tỷ phú Richard Branson bay vào không gian bằng tàu vũ trụ cá nhân

Tỷ phú Richard Branson bay vào không gian bằng tàu vũ trụ cá nhân

Hồi tháng 7, Richard Branson bay vào không gian bằng tàu vũ trụ siêu thanh SpaceShipTwo được sản xuất bởi công ty Virgin Galactic do vị tỷ phú sáng lập.

9 ngày sau, Jeff Bezos cũng bay vào không gian bằng tên lửa New Shepard. Đây được coi là những bước tiến giúp viễn cảnh du lịch vũ trụ của loài người trở nên gần hơn.

6. Trường học in 3D đầu tiên trên thế giới mở cửa

Cận cảnh ngôi trường in bằng phương pháp 3D

Cận cảnh ngôi trường in bằng phương pháp 3D

Trường học in 3D đầu tiên trên thế giới mở cửa vào tháng 7 tại Malawi với mong muốn công nghệ này có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu trường học tại quốc gia Đông Phi.

7. Lần đầu tiên trong lịch sử liên minh, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian

Nguyên nhân là do vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Australia qua việc thành lập liên minh Aukus. Bước đi được coi là nhằm đối phó với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó, Australia đã hủy thỏa thuận mua tàu ngầm truyền thống trước đó với Pháp để chuyển sang sản xuất hạm đội tàu ngầm hạt nhân với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh.

Pháp cho rằng Australia không thông báo trước về việc hủy bỏ hợp đồng và triệu hồi đại sứ tại Mỹ để phản đối. Đây là lần đầu tiên việc này xảy ra trong lịch sử ngoại giao lâu dài của hai nước đồng minh, bắt đầu từ năm 1778.

8. Quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin là tiền tệ quốc gia

Người dân giao dịch tiền ảo tại El Salvador. Ảnh - NYTimes

Người dân giao dịch tiền ảo tại El Salvador. Ảnh - NYTimes

Hồi tháng 9, El Salvador thông qua luật công nhận Bitcoin là tiền tệ chính thức, bên cạnh USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính quan ngại đồng tiền ảo có thể khiến kinh tế El Salvador thêm bất ổn cũng như khuyến khích nạn rửa tiền.

9. Một người phụ nữ châu Phi lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh - Reuters

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh - Reuters

Tháng 3, bà Ngozi Okonjo-Iweala đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên và người châu Phi đầu tiên giữ chức tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới. Bà Okonjo-Iweala cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính tại quê nhà Nigeria.

10. Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số được bán đấu giá hàng triệu USD

Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số “Everydays- The First 5000 Days”. Ảnh - AFP

Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số “Everydays- The First 5000 Days”. Ảnh - AFP

“Everydays: The First 5000 Days” do nghệ sĩ Mike Winkelmann thực hiện được bán đấu giá với mức giá 69,3 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s của Anh.

Đây là lần đầu tiên nhà đấu giá lớn bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số và cũng là lần đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo.

Hoàng Anh (Theo NYTimes)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/2021-tro-thanh-dau-moc-lan-dau-tien-nhung-su-kien-nao-d537241.html