2023 - năm của sự tiếp nối
Năm 2022 có nhiều biến động lớn về địa chính trị trên thế giới, dẫn đến nền kinh tế toàn cầu đón nhận sự thay đổi mang tính thời đại cho những năm tiếp theo, trước mắt là trong năm 2023.
Hồi đầu năm 2022, hầu hết mọi người đều tin rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, là một phản ứng tạm thời trước tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như niềm tin này bắt đầu bị lung lay. Khắp toàn cầu, các quốc gia chứng kiến lạm phát kỷ lục trong nhiều thập niên khi giá những thứ thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu sưởi ấm, vận chuyển và chỗ ở tăng vọt.
Cùng đó là những rủi ro tiềm ẩn: việc nhiều quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế và tài chính nghiêm trọng, hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất càng như đổ dầu vào lửa; cơn bão khủng hoảng nợ ập xuống Pakistan, Sri Lanka và một số quốc gia đang phát triển khác gây ra nhiều thách thức hơn về an ninh lương thực và năng lượng, thậm chí làm phát sinh bất ổn chính trị và xã hội, cùng với các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Những bất ổn hiện nay gắn liền với các xung đột địa chính trị đang xảy ra. Xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ được giải quyết trong hòa bình. Hơn nữa, sự tin cậy chiến lược giữa các cường quốc đang bị suy giảm đáng kể. Một loạt cơ chế quốc tế, chẳng hạn như Liên hiệp quốc và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), có nguy cơ bị xáo trộn. Nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng các quy tắc quốc tế về việc vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo, an ninh vũ trụ, an ninh mạng và các vấn đề hóc búa khác đang bị đình trệ. Khủng hoảng năng lượng cũng là một yếu tố làm thay đổi tư duy kinh tế. Chính phủ của nhiều nước có khả năng sẽ can thiệp vào nền kinh tế nhiều hơn trước đây.
Tình trạng thiếu lương thực đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với các tổ chức quốc tế trong năm 2022 và tiếp tục kéo sang năm 2023. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), số người đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần hỗ trợ khẩn cấp dự kiến sẽ tăng lên 222 triệu người tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, cần có thêm 50 tỷ USD để chấm dứt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Với dân số toàn cầu hiện vượt quá 8 tỷ người, xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, một trong số đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt từ rất lâu. Chỉ một thập kỷ trước, các chính trị gia đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về mực nước biển dâng cao, thiên tai thường xuyên hơn và tác động kinh tế mà những điều này sẽ gây ra. Do đó, chuyển đổi năng lượng cũng là một trong những yếu tố được dự đoán sẽ định hình thế giới năm 2023.
Sự tăng tốc nhanh chóng của quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua đã khiến các tổ chức phải tìm cách đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, chẳng hạn như tác động của làm việc từ xa. Vì vậy, an ninh mạng có khả năng trở thành ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế số. Một yếu tố khác định hình thế giới năm 2023 là sức hấp dẫn của một nền kinh tế toàn cầu hóa bắt đầu giảm sút. Sự gián đoạn thương mại do đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và hàng hóa trầm trọng. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, mặt tích cực là việc phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ trong nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho thanh niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của năm 2023 không chỉ là những gam màu tối. Bởi vì mức độ lãi suất đã gần như đạt đỉnh năm 2022 nên khả năng sẽ phải hạ dần trong năm tới. Cùng với giá dầu đang giảm dần, hai yếu tố này sẽ tạo nên triển vọng khích lệ cho kinh tế thế giới năm tới. Lạm phát cơ bản sẽ quay lại mức 2-3%, khiến các nền kinh tế dần hồi phục. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, song nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ bùng nổ vào năm tới. Trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc phục hồi trong thận trọng thì sự tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á sẽ là những điểm sáng đáng chú ý.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/2023-nam-cua-su-tiep-noi-post674156.html