2024 - năm của nhiều cuộc bầu cử quan trọng
Trong năm 2024 sẽ diễn ra một loạt cuộc bầu cử quan trọng ở nhiều quốc gia. Nếu những nhà lãnh đạo mới thắng cử, rất có thể sẽ dẫn tới những thay đổi quan trọng trong chính sách. Điều đáng nói là các khảo sát gần đây cho thấy sự lạc quan đang trở lại với người dân khắp nơi trên thế giới, với đa số kỳ vọng vào một năm tốt đẹp hơn.
Các nước gia tăng vị thế, vai trò
Năm 2023 đánh dấu sự suy giảm đáng kể về tác động của đại dịch COVID-19. Sự nghiêm trọng của căn bệnh này đã giảm dần trong cả chính sách của chính phủ các nước và suy nghĩ của người dân. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị trên thế giới lại “leo thang”.
Năm 2023 đã đưa lại những bằng chứng mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa các đối tác lớn với nhau, dù là hợp tác hay đối địch, dù về lâu dài hay nhất thời, đều tác động rất mạnh mẽ và sâu rộng tới cục diện quan hệ quốc tế nói chung, nhưng không quyết định hoàn toàn và chi phối tuyệt đối chiều hướng chuyển biến cũng như mức độ chuyển biến của quan hệ quốc tế.
Những thay đổi và tiến bộ của thế giới công nghệ cũng là điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2023. OpenAI là công cụ giúp thay đổi nhận thức và cách sử dụng trí tuệ nhân tạo của công chúng, dẫn đến nhiều thay đổi mô hình hơn trong cách con người tương tác với công nghệ.
TS Ngô Di Lân, Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng không những có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa các quốc gia, thay đổi cách các nước tiến hành chiến tranh, mà còn có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong cách vận hành và quản trị xã hội.
Năm “bản lề” với hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng
TS Ngô Di Lân nhận định, năm 2024 sẽ là một năm “bản lề” bởi trong năm nay sẽ diễn ra một loạt các cuộc bầu cử quan trọng ở nhiều quốc gia. “Nếu những nhà lãnh đạo mới thắng cử, rất có thể sẽ dẫn tới những thay đổi quan trọng trong chính sách. Cũng vì lẽ đó, năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố biến động và bất định hơn”, TS Ngô Di Lân cho hay.
Nhấn mạnh về cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra trong năm nay, TS Ngô Di Lân nêu quan điểm, nhiều khả năng đây sẽ là một màn “tái đấu” giữa cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden. Trong đó, trường hợp ông Trump thắng cử có thể đưa đến nhiều biến động lớn trong cả quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời cũng ảnh hưởng tới kết cục một số cuộc xung đột trên thế giới.
Trong tháng 3/2024, Nga cũng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Đương kim Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ có nhiều ưu thế.
Một số hãng tin cho rằng, trong ba chủ đề lớn có thể sẽ thống trị các cuộc thảo luận ở châu Âu vào năm 2024, bên cạnh bầu cử, di cư chính là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy hơn 270.000 người di cư đã đến châu Âu vào năm 2023, trong đó 3.546 người được cho là đã chết hoặc mất tích. Năm 2024 có thể chứng kiến sự thay đổi trong cách giải quyết những người xin tị nạn và người di cư sau thỏa thuận vào phút cuối của Liên minh Châu Âu (EU). Thỏa thuận đạt được ngay trước Lễ Giáng sinh năm 2023 đã phá thế bế tắc chính trị trong nhiều năm và báo hiệu một bước chuyển tích cực trong vấn đề di cư.
Tiếp sau đó, các cử tri ở Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc bầu cử được tiến hành từ ngày 1/4 đến ngày 31/5. Thủ tướng Narendra Modi - người đã lãnh đạo Ấn Độ kể từ năm 2014, được kỳ vọng sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba, nhờ thành tích kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Theo một số nhà quan sát, ở nhiệm kỳ tới, chính quyền của Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục “theo đuổi ảnh hưởng lớn hơn của Ấn Độ trên trường quốc tế” và “thể hiện mình là nhà lãnh đạo của thế giới đang phát triển”.
Đến đầu tháng 6, trong một cuộc bỏ phiếu quy mô xuyên quốc gia, hơn 400 triệu cử tri từ 27 quốc gia châu Âu sẽ đi bỏ phiếu bầu ra 720 nghị sỹ của Nghị viện châu Âu. Các nhà quan sát nhấn mạnh, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm vấn đề nhập cư là chủ đề được tranh luận sôi nổi ở một số quốc gia trong Liên minh châu Âu và ví tiền của người dân châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát. Đồng thời, sự kiện cũng này có thể để lại dấu ấn với một làn sóng mới của những lực lượng hoài nghi về châu Âu.
Cũng trong tháng 6, lần đầu tiên một người phụ nữ sẽ trở thành Tổng thống Mexico. Hai người đang có nhiều triển vọng kế nhiệm Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador là cựu Thị trưởng thành phố Mexico Claudia Sheinbaum, thuộc đảng Morena cầm quyền (cánh tả), đang áp đảo trong các cuộc thăm dò và Thượng nghị sĩ Xochitl Galvez, thuộc liên minh tập hợp ba đảng đối lập. Việc có một nữ Tổng thống sẽ là một biểu tượng quan trọng ở Mexico, nơi ghi nhận hàng nghìn vụ sát hại phụ nữ mỗi năm.
Công ty thăm dò Ipsos trong một báo cáo kết quả thăm dò dư luận được công bố cuối tháng 12/2023 cho biết, 70% người được khảo sát bày tỏ lạc quan rằng trong năm 2024, mọi việc sẽ là tiến triển tốt đẹp hơn năm 2023. Tỷ lệ này cao hơn 5% so với kết quả khảo ở năm 2022. Con số này cũng cho thấy sự lạc quan của người dân đang quay trở lại mức thường thấy trong thập kỷ qua. Cũng theo khảo sát, 50% người được hỏi cho rằng, trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2023, tăng 4% so với kết quả khảo sát năm 2022.
Hãng tin Fox News mới đây dẫn lời tỷ phú Bill Gates nhận định, 2024 sẽ là một năm đáng nhớ. Vị tỷ phú cũng lưu ý, trong năm nay, bầu cử sẽ diễn ra ở gần 60 quốc gia, là nơi sinh sống của hơn 4 tỷ người - tức hơn một nửa dân số thế giới, đưa đây trở thành năm có số người đi bỏ phiếu nhiều nhất lịch sử. Kết quả các cuộc bỏ phiếu vì thế sẽ có tác động to lớn đến tương lai của thế giới.
Cục diện thế giới chuyển dịch theo hướng đa cực
Theo TS Ngô Di Lân, kinh tế thế giới cũng được cho là sẽ tăng trưởng chậm lại, đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực ứng phó theo các cách khác nhau. Bối cảnh đó càng khiến bức tranh tình hình năm 2024 trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, về cục diện, thế giới vẫn sẽ dịch chuyển theo hướng đa cực, khi khoảng cách về quyền lực giữa các nước ở tốp đầu với các nước tầm trung sẽ tiếp tục được thu hẹp.
Liên quan đến lĩnh vực công nghệ, trong năm 2023, Anh đã đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh AI lần đầu tiên với sự tham dự của đại biểu đến từ 28 quốc gia, cho thấy các quốc gia hiểu được cả cơ hội lẫn thách thức mà AI đặt ra cũng như sự cần thiết hợp tác đa phương để định hướng quỹ đạo phát triển của công nghệ này. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh AI lần thứ hai dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc vào giữa năm 2024 và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba dự kiến được tổ chức cuối năm 2024 tại Pháp là hai sự kiện rất được mong đợi. Một số ý kiến cho rằng các hội nghị này có thể đưa đến những nỗ lực thực chất ở quy mô toàn cầu nhằm kiểm soát công nghệ AI, nhưng khó có thể đạt được một hiệp ước quốc tế toàn diện.
Về phía người dân, các cuộc thăm dò cho thấy, dư luận đang bị chia rẽ về việc liệu AI sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực hay tiêu cực. Trong đó, về mặt tích cực, 56% tỏ ra háo hức trước khả năng các bác sĩ sẽ thường xuyên sử dụng AI trong khám, chữa bệnh, tăng 18% so với kết quả khảo sát năm 2019. 43% người được hỏi kỳ vọng AI sẽ tạo ra việc làm. Tuy nhiên, ở mặt khác, 64% người được hỏi cho rằng AI sẽ dẫn đến mất việc làm.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/2024-nam-cua-nhieu-cuoc-bau-cu-quan-trong-post503470.html