2024 - năm của những việc 'trước nhất'
Năm mới 2024 mang ý nghĩa bản lề khi thành phố Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, 'trước nhất' nhằm hoạch định vóc dáng Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện.
Trước thềm xuân mới Giáp Thìn, trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànôịmới, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ về tính chất quan trọng của các đồ án này, thể hiện sự kỳ vọng về những bản quy hoạch đủ sức dẫn dắt Thủ đô đến một tương lai rực rỡ.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
"Kim chỉ nam" cho hai đồ án quy hoạch Thủ đô
Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã quán triệt: “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch...”. Điều này đồng nghĩa với việc phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch tích hợp, bảo đảm phát triển không gian hợp lý, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử, tiết kiệm tài nguyên, đất đai, năng lượng, kiểm soát chặt chẽ dân số...
Thay vì sử dụng phương pháp quy hoạch truyền thống với 4 loại quy hoạch chính được lập ra một cách độc lập, các đồ án quy hoạch ngành được tích hợp vào đồ án quy hoạch đô thị thông qua việc xây dựng ngân hàng dữ liệu, cập nhật thông tin các ngành, lĩnh vực đồng bộ, thường xuyên; xây dựng bộ công cụ chuyển hóa nội dung của quy hoạch ngành vào quy hoạch đô thị, làm cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra các dự báo phát triển có độ tin cậy cao.
Việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 đòi hỏi có sự chỉ đạo, điều hành, nghiên cứu các nội dung liên quan hết sức khoa học, chặt chẽ.
Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chính là "kim chỉ nam" cho cả hai đồ án quy hoạch trên, định hướng phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu... nhằm bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch, đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam:
Quan điểm phát triển phải là “thuận thiên”, không duy ý chí
Bài học về tầm nhìn “đầy ước vọng” nhưng thiếu tính khả thi vì không đủ nguồn lực đã xuất hiện trong lịch sử phát triển của Hà Nội. Để quy hoạch mới mang tính khả thi, chúng ta nên đưa ra định hướng phát triển dựa trên các mục tiêu lớn, tầm nhìn, các vấn đề cơ bản cần ưu tiên, trên cơ sở xem xét bối cảnh bên ngoài và bên trong của thành phố (có tính đến những thay đổi).
Nhiều thành phố như Seoul, Singapore, Thượng Hải, Dương Châu, Cairo, Medellín... đã vươn mình nhờ chiến lược tái cấu trúc táo bạo, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Chìa khóa cho sự thay đổi đó nằm ở những hành lang phát triển kết nối sáng tạo những thành tố rời rạc và tự phát. Kết nối, sử dụng đất đa chức năng, phát triển các không gian đô thị sáng tạo, thông minh cho nhu cầu sống, dịch vụ, vui chơi giải trí và làm việc, bảo tồn và tái phát triển đô thị, khai thác cảnh quan các con sông..., đó là những giải pháp cần được ưu tiên.
Tiềm năng phát triển những không gian sáng tạo và chuyển đối số cho hội nhập toàn cầu đã hiện hữu ở Thủ đô. Nhưng quan điểm phát triển phải là “thuận thiên”: Thuận quy luật tự nhiên, nhu cầu của người dân và các động lực thị trường chứ không phải duy ý chí. Hãy lấy “vì con người gắn trong hệ sinh thái” làm động lực và mục tiêu cho sự phát triển Hà Nội.
Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội:
Con người là trung tâm, nguồn lực, động lực và mục tiêu của mọi sự phát triển
Hà Nội trong tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Đến thời điểm này, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô đã đi được quá nửa hành trình với nỗ lực của các cấp, ngành thành phố. Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.
Dự thảo quy hoạch đưa ra 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian, 20 mục tiêu cụ thể; xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô, 4 đột phá phát triển. Quy hoạch nghiên cứu phân bổ không gian thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội. Các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với 4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan tỏa nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN.
Có thể thấy rõ quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu phát triển luôn được nhấn mạnh trong quan điểm phát triển Thủ đô. Mọi đổi thay trong tương lai đều hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của nhân dân, được đa số đồng thuận trên cơ sở tiêu chí người dân có điều kiện sống tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư tạo thêm việc làm, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội:
Kiến tạo động lực phát triển gắn với giữ gìn giá trị di sản
Năm 2023 qua đi với nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở đã nhìn nhận những khó khăn đó là cơ hội để tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị, mang tính chuẩn bị hạ tầng phát triển quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đó là việc xây dựng và rà soát, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Hà Nội; hoàn thành các nội dung thẩm định theo tiến độ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh. Việc giải quyết tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội luôn được ưu tiên, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ điều kiện, quy trình thủ tục.
Tuy nhiên, nghiêm khắc nhìn lại năm 2023, vẫn còn một số tồn tại mà bước sang năm mới 2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phải tập trung thực hiện, trong đó, trọng tâm là bảo đảm nội dung kiến tạo động lực phát triển đồng thời với việc giữ gìn các giá trị di sản, kiểm soát phạm vi, quy mô phát triển đô thị.
Việc xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và các đồ án quy hoạch quan trọng như các phân khu đô thị vệ tinh, các quy hoạch vùng huyện, các chương trình trọng tâm cải tạo, xây dựng phát triển đô thị như quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ, các khu nhà ở xã hội, các dự án đầu tư công và dân sinh vẫn cần phải khẩn trương hơn nữa. Ngoài ra, công tác quản lý kiến trúc giàu tính bản địa, kiến trúc cảnh quan đô thị và các nội dung thực hiện Luật Kiến trúc cần phải được chú trọng triển khai.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội:
Giải bài toán tích hợp đa ngành
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt, văn hiến, văn minh, thanh lịch, đẹp, giàu bản sắc dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não, chính trị - hành chính quốc gia của một nước phát triển với khoảng 110 - 115 triệu dân”. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu Hà Nội có hệ thống thủy lợi, thoát nước đồng bộ, không gian xanh, vành đai xanh và hồ nước phân bố hợp lý. Hệ thống công trình ngầm được quy hoạch xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố hiện đại...
Với ngân sách hạn hẹp, nguồn lực đất đai cạn dần, các dự án quy hoạch cần được nghiên cứu tích hợp đa ngành, giao thông đường bộ phải liên kết với đường thủy, đường sắt; đường sắt đô thị phải liên kết với đường sắt quốc gia và đường sắt ngoại ô; đường sắt đô thị tốc độ cao, khối lượng lớn kết hợp với tàu điện. Nâng cấp hiện đại hóa đường sắt từng bước gắn với xe bus thường, xe bus ưu tiên trên mặt đất cũng như trên cao, có khả năng chuyển đổi từ bus trên cao thành đường sắt đô thị trên cao. Phát triển giao thông gắn với đô thị theo định hướng TOD. Đầu tư đường sắt đô thị ngầm kết hợp với phát triển thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe ngầm, bể ngầm, sông ngầm trong phố...
Chính phủ yêu cầu các đồ án quy hoạch phải có tính đột phá, hiện đại, có sự đổi mới toàn diện. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô cũng như điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ giúp chúng ta giải bài toán tích hợp đa ngành. Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra để các bản quy hoạch mới có tính khả thi chứ không phải là quy hoạch “treo”.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/2024-nam-cua-nhung-viec-truoc-nhat-658089.html