20h ra phố chơi, 21h quán xá đóng cửa

Khi hàng quán phải đóng cửa từ 21h, nhiều người hẹn gặp bạn bè sớm hơn để tránh ra về gấp gáp.

20h45 tối 7/11, Trần Minh Kim Tùng (sinh năm 1997) và cô bạn thân rục rịch rời quán bia thủ công Pasteur Street Brewing (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).

Cả hai tỏ ra tiếc nuối khi phải ra về sớm hơn dự định. Trước đây, những cuộc gặp của hai cô gái thường kéo dài đến khoảng 22h.

“Chúng tôi muốn nán lại lâu hơn một chút nhưng phải thực hiện theo quy định phòng dịch. Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, chúng tôi đã rất quen với các chính sách của thành phố. Dù phải về trước 21h hay sớm hơn, chúng tôi đều chấp nhận”, Kim Tùng chia sẻ cùng Zing.

 Kim Tùng (bên trái) và cô bạn nhanh chóng uống hết ly nước để ra về đúng giờ.

Kim Tùng (bên trái) và cô bạn nhanh chóng uống hết ly nước để ra về đúng giờ.

Chấp nhận

Từ quận 1, Kim Tùng và bạn sang TP Thủ Đức để có thể thưởng thức đồ uống có cồn. Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, cô thường xuyên ghé quán xá ăn uống và gặp gỡ bạn bè như vậy.

Tại Pasteur Street Brewing, cô chọn vị trí ngồi tại quầy bar, giữ khoảng cách với những nhóm thực khách khác. Cô cho biết vẫn khá lo ngại về vấn đề dịch bệnh nên cố gắng giãn cách với người lạ và thường xuyên rửa tay bằng cồn.

“Tôi hiểu tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn chưa ổn định hoàn toàn. Đi chơi thời điểm này không được thoải mái như trước đây, nhưng được ra đường là tôi vui lắm rồi”, Tùng nói.

 Hai cô gái chấp nhận ra về sớm, chờ đợi ngày các quán xá hoạt động bình thường như trước đây.

Hai cô gái chấp nhận ra về sớm, chờ đợi ngày các quán xá hoạt động bình thường như trước đây.

Ngồi cách Tùng vài ghế, Mischa Smith (sinh năm 1981) cũng đang chuẩn bị thanh toán hóa đơn và ra về. Anh cho biết từ khi các quán xá mở cửa phục vụ tại chỗ trở lại, mỗi ngày, anh đều rời nhà và đến các quán quen để ăn uống.

Trước đây, anh thường ngồi lại các quán bar khá muộn để uống bia và tận hưởng âm nhạc. Còn hiện tại, quy định phòng dịch khiến anh phải ra về sớm hơn, không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.

“Tôi cũng rất muốn ngồi lại nhưng đành ra về lúc 21h. Tôi hiểu đây là chính sách phòng dịch và ai cũng phải chấp hành. Trong thời gian tới, tôi hy vọng các hàng quán mở lại bình thường và tôi sẽ được ở lại lâu hơn”, Mischa tâm sự.

Tương tự, hai người bạn Hoài Thương và Hà Anh (cùng sinh năm 1994, ngụ Bình Thạnh) cũng chia sẻ sự tiếc nuối khi phải rời quán ăn ở Thảo Điền lúc 21h, dù cả hai mới tới đây lúc 20h.

"Theo thói quen, chúng tôi hẹn nhau 20h đi ăn tối, tới 20h30 quán đã thông báo last order (lần gọi món cuối cùng), khoảng 21h chủ quán đã nhắc khéo để khách chuẩn bị đi về vì nhà hàng chuẩn bị dọn dẹp, đóng cửa", Hà Anh kể.

 Mischa mong muốn có thể ngồi lại quán lâu hơn nhưng đành tuân thủ quy định.

Mischa mong muốn có thể ngồi lại quán lâu hơn nhưng đành tuân thủ quy định.

Trong khi đó, tại tiệm cà phê Luia (quận Bình Thạnh), Quỳnh (sinh năm 1999, ngụ quận 7) tranh thủ ngày cuối tuần để hẹn bạn bè đến đây trò chuyện, chụp ảnh check-in.

Trước dịch, khi hàng quán không bị giới hạn thời gian đóng cửa, Quỳnh thường rủ bạn bè đi ăn uống "tăng hai, tăng ba" vào những dịp đặc biệt. Nhưng hiện tại, cô chỉ có thể chọn một chỗ duy nhất để tránh mất thì giờ di chuyển.

“Nhiều hàng quán tôi ghé qua đều có quy định ngừng nhận khách từ 21h, thậm chí sớm hơn. Việc này khiến tôi khá hụt hẫng bởi thời gian tận hưởng dịch vụ ngắn ngủi”, Quỳnh nói.

 Quỳnh (bên trái) tiếc nuối vì không được tận hưởng dịch vụ lâu hơn.

Quỳnh (bên trái) tiếc nuối vì không được tận hưởng dịch vụ lâu hơn.

Quyên (sinh năm 1996, ngụ quận Bình Thạnh) cũng chung tâm sự. Biết rằng các quán xá phải đóng cửa trước 21h, Quyên đành hẹn bạn đi cà phê vào buổi chiều để có nhiều thời gian chụp ảnh, tránh việc phải vội vàng ra về.

“Trước đây, tôi thích đi cà phê vào buổi tối, sau giờ tan làm. Nhưng với quy định đóng cửa từ 21h và các quán chỉ nhận khách dưới 50% sức chứa, tôi đành phải đi sớm hơn để có bàn ngồi và chỗ chụp hình đẹp”, Quyên nói.

 Quyên (bên trái) đi cà phê từ sớm để tránh phải ra về vội vàng.

Quyên (bên trái) đi cà phê từ sớm để tránh phải ra về vội vàng.

Tuân thủ

21h, Nguyễn Lê Hoàng Duy (sinh năm 1992), chủ quán cà phê Jeju (quận Bình Thạnh), cùng các nhân viên tất bật pha chế những đơn cuối cùng và dọn dẹp khu vực ngừng nhận khách.

Duy cho biết quán của anh vừa khai trương vào ngày 1/11 sau nhiều tháng giãn cách xã hội.

“Tôi thuê mặt bằng này vào khoảng tháng 5, mất 2 tháng thi công, xây dựng và dự kiến mở cửa vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên ngày khai trương chính thức được dời đến tận đầu tháng 11”, Duy nói.

 Tiệm cà phê Jeju được đông đảo bạn trẻ đến check-in.

Tiệm cà phê Jeju được đông đảo bạn trẻ đến check-in.

Vào những ngày đầu, tiệm của Duy được nhiều người ghé qua nhờ không gian được trang trí theo phong cách Hàn Quốc bắt mắt. Một số bạn trẻ đến đây từ chiều để thoải mái chụp hình, không bị eo hẹp thời gian. Để tránh tình trạng tụ tập đông đúc, Duy phải tính toán giờ hoạt động và quy trình phục vụ tại chỗ hợp lý.

“Quán mở cửa từ 8h, ngừng nhận gọi món từ 21h và đóng cửa lúc 22h. Chúng tôi cũng thông báo giờ giấc cụ thể trên fanpage để không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng. Nhiều khách biết giờ đóng cửa như vậy nên chủ động sắp xếp thời gian ra về sớm. Thế nhưng, các quy định hiện tại cũng gây nhiều trở ngại ít nhiều cho công việc kinh doanh”, chủ quán bộc bạch.

Nhân viên quán bia Pasteur Street Brewing đóng ca lúc 20h45, ngừng nhận order từ thực khách.

Nhân viên quán bia Pasteur Street Brewing đóng ca lúc 20h45, ngừng nhận order từ thực khách.

Ngọc Thủy (sinh năm 1996), quản lý của tiệm cà phê Luia, cũng cho biết từ 20h hàng ngày, tiệm của cô đã phải ngừng nhận khách để nhân viên bắt đầu dọn dẹp và đóng cửa trước 21h.

Theo lời nữ quản lý, ban đầu tiệm chỉ mở đến 19h30. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều góp ý của thực khách, tiệm đã điều chỉnh thời gian phục vụ tại chỗ: trong tuần mở từ 10h-19h30 và thứ 7, chủ nhật là 8h30-20h30.

“Việc chỉnh lại giờ tiếp khách giúp mọi người có trải nghiệm tốt hơn tại quán. Tuy nhiên, với quy định phòng dịch hiện tại thì mọi thứ vẫn bị hạn chế để tránh tình trạng đông đúc, nguy cơ lây nhiễm. Nhiều khách mất công đi đường xa đến đây rồi bị quá giờ, chúng tôi cũng đành phải cáo lỗi”, Thủy chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ chụp ảnh check-in tại Luia.

Nhiều bạn trẻ chụp ảnh check-in tại Luia.

Chung tình cảnh, một nhà hàng Nhật Bản ở khu Thảo Điền cũng đành ngậm ngùi đóng cửa sớm để tuân thủ theo quy định.

Theo Nguyễn Hữu Hoàng (sinh năm 1995, trợ lý quản lý), nhà hàng phải dừng nhận order của thực khách từ 20h30, sớm hơn 2 tiếng so với thời điểm trước dịch.

Ngoài ra, nhà hàng cũng phải từ chối nhiều khách để có thể đảm bảo giãn cách cũng như chất lượng phục vụ.

“Việc đóng cửa và từ chối khách từ sớm không chỉ khiến khách hàng mà nhà hàng đều cảm thấy có nhiều tiếc nuối và hụt hẫng. Tuy nhiên, do chỉ thị từ địa phương nên chúng tôi đành nghiêm chỉnh chấp hành. Cả khách hàng quen hay mới và toàn bộ nhân viên đều mong giai đoạn khó khăn sớm qua đi”, Hoàng nói.

 Nhà hàng Nhật Bản ở khu Thảo Điền dừng nhận order từ 20h30.

Nhà hàng Nhật Bản ở khu Thảo Điền dừng nhận order từ 20h30.

Cũng theo nam quản lý, một số thực khách của anh tỏ ra khá bức xúc, phàn nàn khi phải ra về sớm. Họ hầu hết là khách người nước ngoài.

“Do không phải người bản địa, nhiều khách ngoại quốc không hiểu rõ hoặc chưa thích nghi với những quy định từ chính quyền. Tôi và ban quản lý phải đích thân lắng nghe, giải quyết và xin khách hàng thông cảm”, Hoàng cho hay.

Thục Hạnh - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/20h-ra-pho-choi-21h-quan-xa-dong-cua-post1275940.html