Cần bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ ở Bá Thước
Một số nhà dân tại các xã vùng đệm và trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) còn lưu giữ hàng chục cây chè Shan tuyết khoảng 30 đến 40 năm tuổi, đây được xem là những nguồn gen quý cần được bảo tồn và phát triển.
Tại thôn Leo, xã Thành Lâm hiện còn 5 cây chè Shan tuyết có tuổi đời hơn 30 năm. Những cây chè với đường kính hơn 20cm, cao hơn 3m với nhiều lớp như mốc trắng bao phủ toàn thân. Theo những người cao tuổi, cây chè Shan tuyết có ở vùng này từ lâu đời. Nhiều năm trước đây, cây chè cổ thụ ở đây không được người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ nên số cây chè còn đến ngày nay rất ít. Ông Hà Văn Vương, chủ nhân của 3 cây chè Shan tuyết, cho biết: Trước đây những cây chè này mọc gần đường giao thông, khi mở rộng đường, gia đình đã chuyển vào trong vườn để chăm sóc, bảo vệ. Cũng theo ông Vương, búp trà Shan tuyết khá lớn, lá trà dày, trên bề mặt được phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết, nên người dân gọi là chè tuyết. Đặc biệt, giống chè này không trồng được ở miền xuôi, chỉ trồng ở nơi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Với độ cao 1.700m so với mặt nước biển như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rất thích hợp cho cây chè Shan tuyết phát triển. Với đặc thù quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành mát mẻ nên chè Shan tuyết ở đây có vị chát rất thanh và dư vị ngọt kéo dài.
Theo khảo sát của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, hiện trên địa bàn huyện Bá Thước còn khoảng 31 cây chè Shan tuyết cổ thụ, có đường kính gốc trung bình từ 15 - 25cm, độ tuổi trung bình khoảng 30 - 40 năm trở lên. Nhiều nhất là các xã Thành Lâm 5 cây và xã Thành Sơn còn 11 cây, còn lại là nằm rải rác ở trên đất đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khoảng 15 cây. Hiện nay, việc sử dụng và phát triển giá trị của cây chè Shan tuyết ở đây vẫn chỉ là mang tính chất nhỏ lẻ và tự phát của các hộ gia đình. Trong khi chè Shan tuyết là cây trồng quý, nằm trong danh mục là những cây trồng cấm xuất khẩu tại phụ lục I, Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Do đó việc bảo tồn, bảo vệ những gốc chè cổ thụ này rất cần thiết nhằm bảo tồn gốc gen quý, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển cây chè San tuyết, các ngành có liên quan của tỉnh, huyện Bá Thước cần có biện pháp và quy hoạch khu vực trồng chè Shan tuyết ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn và trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhằm kết hợp cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc Thái, Mường nơi đây để phát triển du lịch. Trước mắt, huyện Bá Thước quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo vệ chăm sóc những cây chè hiện có và phát triển trồng mới diện tích chè. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết cho du khách tham quan Pù Luông.
Ông Bùi Hải Đường, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm (Bá Thước), cho biết: Cây chè Shan tuyết là sản phẩm gần gũi, gắn liền với đời sống của người dân các dân tộc nơi đây. Trước mắt chưa có dự án bảo tồn và phát triển của các cơ quan cấp trên, nên địa phương đã chủ động phối hợp với các gia đình bảo vệ, chăm sóc các cây hiện có. Cùng với đó, xã yêu cầu các thôn, bản tiến hành khảo sát, xác định số lượng, diện tích cây chè cổ thụ đang còn trong các nhà dân để có kế hoạch bảo vệ. Địa phương cũng mong muốn các ngành có liên quan của tỉnh sớm nghiên cứu, khảo sát và có phương án bảo tồn, phát triển chè Shan tuyết nơi đây. Cây chè Shan tuyết không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo ra nông sản đặc trưng của địa phương, có nhiều lợi thế cạnh tranh cũng như phục vụ phát triển du lịch.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/can-bao-ton-che-shan-tuyet-co-thu-o-ba-thuoc-218675.htm