21 năm chắp cánh ước mơ
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ ra đời cách đây hơn 20 năm với sứ mệnh thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập trên toàn tỉnh. Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh đã khẳng định được vai trò quan trọng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, thắp sáng truyền thống văn hiến và hiếu học của quê hương.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đứng trước bối cảnh xây dựng nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập Quốc tế. Đảng và Nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động giáo dục, không chỉ trong phạm vi chính quy mà còn mở rộng với nhiều hình thức khác nhau, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Tháng 2/1996, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (nay là Hội Khuyến học Việt Nam) ra đời. Bốn năm sau, vào tháng 7/2000, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập Hội Khuyến học tỉnh đáp ứng nhu cầu cấp thiết cần có một tổ chức xã hội thúc đẩy phong trào giáo dục tại các địa phương.
Để xác định nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm cho giai đoạn đầu, Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2001 – 2005 đã được tổ chức vào tháng 3/2001. Tham dự có 120 đại biểu đại diện cho 970 hội viên toàn tỉnh. Hội đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu là xây dựng phong trào, phát triển và củng cố tổ chức Hội.
Hội Khuyến học đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các cấp ngành, địa phương để thành lập và kiện toàn Hội Khuyến học tại các xã. Đến cuối năm 2003, tất cả các xã, phường của tỉnh đã có tổ chức Hội, đây được coi là thành công ban đầu, góp phần “phủ sóng” cho các hoạt động sau này của Hội Khuyến học.
Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 8/8/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường hoạt động, phát triển mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Phú Thọ” để tập trung phát triển hệ thống các Trung tâm học tập cộng đồng trên toàn tỉnh.
Bà Tạ Thị Ngữ – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: Hội Khuyến học đã linh hoạt, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 2 đợt bán xổ số thu về hơn 500 triệu đồng để hỗ trợ cho các Trung tâm học tập cộng đồng mới ra đời. Nhờ có sự tiếp sức kịp thời, các Trung tâm học tập cộng đồng nhanh chóng được thành lập rộng khắp toàn tỉnh.
Năm 2003, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động chương trình “Gia đình hiếu học”; Phú Thọ sớm bắt nhịp với phong trào này, lấy thành phố Việt Trì làm thí điểm và nhân rộng ra toàn tỉnh.
Nhờ đó, nội dung hỗ trợ giáo dục được đẩy mạnh, từng bước đi vào chiều sâu với 10 nội dung khuyến học trong nhà trường, 12 nội dung khuyến học ngoài nhà trường. Từ phong trào khuyến học, đã xuất hiện các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng, đơn vị khuyến học”, “Tiếng trống khuyến học”, mô hình hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh làm khuyến học…
Tháng 1/2008, Hội Khuyến học tổ chức Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ lần thứ II, nhiệm kỳ 2008 - 2013. Tham dự Đại hội lúc này có tới 180 đại biểu đại diện cho 201.462 hội viên toàn tỉnh.
Trong nhiệm kỳ này, Hội Khuyến học đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Bà Nguyễn Thị Thành Chung – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ: “Tham mưu giỏi – Liên kết rộng – Nội lực mạnh”. Trải qua 21 năm hoạt động, tổ chức Hội được thành lập, củng cố và phát triển nhanh chóng, hội viên tăng nhanh.
Ngày đầu thành lập, toàn tỉnh mới có 970 hội viên, đến năm 2020, Phú Thọ có 13 Hội cấp huyện, 225 Hội cấp xã, 5.551 chi hội/ban khuyến học với 410.446 hội viên. Tỷ lệ hội viên hiện 31%, là một trong những địa phương có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất nước.
“Tham mưu giỏi” - Hội Khuyến học phối hợp với các ngành liên quan đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số văn bản là nền móng hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo và cơ chế, chính sách cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chủ trương xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh thông qua các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
“Liên kết rộng” – Hội Khuyến học đã phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng 21 chương trình phối hợp hoạt động với Ủy ban MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể... nhằm phối hợp triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Cùng với đó, Hội Khuyến học tỉnh phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà tài trợ… đồng hành lâu dài và thiết thực với các hoạt động khuyến học, khuyến tài thường niên.
“Nội lực mạnh” - Nguồn quỹ khuyến học được xây dựng từ trong mỗi gia đình, dòng họ đến các tổ chức hội, được tạo ra từ việc đóng hội phí của hội viên, từ phong trào “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học” và sự hảo tâm tài trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân.
Phong trào vận động xây dựng quỹ khuyến học tiếp tục thu được kết quả cao, tổng số dư các loại quỹ khuyến học trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 109 tỷ đồng là cơ sở để Hội Khuyến học tỉnh tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục.
Một trong những điểm đặc biệt trong hoạt động của Hội Khuyến học nhiều năm qua là luôn sáng tạo các mô hình hoạt động để đem lại hiệu quả cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hiện nay, Phú Thọ là tỉnh đầu tiên trên cả nước nghiên cứu mô hình “Công dân học tập”, thống nhất được bảng tiêu chí và đưa vào thí điểm từ năm 2019. Những nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Hội Khuyến học Phú Thọ về mô hình kể trên đã đóng góp lớn cho Trung ương Hội Khuyến học trong xây dựng bộ tiêu chí và nhân rộng mô hình học tập kiểu mới này.
Các đề tài khoa học do chính đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học thực hiện về Trung tâm học tập cộng đồng (2009) và Mô hình xã hội học tập trên địa bàn tỉnh (2013), Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng (2015) đều được xếp loại xuất sắc cấp tỉnh.
Khi triển khai hoạt động, đánh giá, kiểm tra kết quả thực hiện các nghiên cứu khoa học này trên thực tế đã mang lại những kết quả to lớn.
Trải qua 21 năm hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tại từng gia đình, dòng họ, đơn vị, tổ chức, cộng đồng… bóng dáng của phong trào khuyến học hiện hữu rõ rệt.
Từ hoạt động tự phát ban đầu, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã phát triển thành tự giác, được đông đảo người dân tham gia ủng hộ. Qua đó, đã tạo động lực cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn, hàng vạn học sinh, công dân… theo đuổi đam mê học tập suốt đời.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202109/21-nam-chap-canh-uoc-mo-179218