21 phim hoạt hình bị phản đối ở Trung Quốc

'Peppa Pig' và hàng loạt phim hoạt hình ăn khách đang bị phụ huynh Trung Quốc lên án vì nội dung không phù hợp với trẻ em.

Ngày 13/4, South China Morning Post đưa tin Hội đồng Người tiêu dùng Giang Tô, Trung Quốc đã công bố danh sách 21 phim hoạt hình được cho rằng có ngôn ngữ không phù hợp với trẻ em.

Trong đó, 8 phim là của nước ngoài, gồm Peppa Pig (Anh), Barbie Dreamhouse Adventures My Little Pony (Mỹ) cùng với 5 phim của Nhật Bản - nổi cộm nhất là Thám tử lừng danh Conan.

 Cảnh quay nhân vật Daddy Pig trong Peppa Pig rơi từ máy bay bị chỉ trích. Ảnh: SCMP.

Cảnh quay nhân vật Daddy Pig trong Peppa Pig rơi từ máy bay bị chỉ trích. Ảnh: SCMP.

Trong các ví dụ mô tả cảnh nguy hiểm, có cảnh nhân vật Daddy Pig mở cửa máy bay và rơi xuống đất (phim Peppa Pig), cảnh nhân vật nhúng mình trong dung nham (phim My Little Pony). Ở phim Barbie Dreamhouse Adventures, phân đoạn nhân vật bị treo trên trực thăng, vòng bóng rổ, giẫm lên người và rơi từ trần nhà xuống, cũng bị chỉ trích.

Báo cáo cho biết có 123 cảnh "u ám", biểu cảm phóng đại quá mức của nhân vật trong các tác phẩm trên.

"Boonie Bears, phim do người Trung Quốc sản xuất, bị phụ huynh phản đối nhiều nhất. Nhân vật chính thường xuyên cầm cưa điện, hướng dẫn trẻ em dùng cưa làm người khác bị thương", SCMP viết.

Hồi năm 2016, một bé gái 10 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây đã giết chết em gái 5 tuổi bằng cưa điện vì làm theo nhân vật trong Boonie Bears.

 Boonie Bears nhận nhiều ý kiến trái chiều về những cảnh bạo lực. Ảnh: SCMP.

Boonie Bears nhận nhiều ý kiến trái chiều về những cảnh bạo lực. Ảnh: SCMP.

Các thành viên của hội đồng đã mất 3 tháng để chuẩn bị báo cáo bằng cách xem tất cả phim mà phụ huynh phàn nàn. Họ còn tiến hành khảo sát trực tuyến với 1.026 phụ huynh và phỏng vấn phụ huynh, giáo viên từ các trường tiểu học và mẫu giáo về vấn đề trên.

"Có 687 vấn đề về cách dùng ngôn ngữ, 176 điểm chưa hợp lý ở cốt truyện. 1/5 số phụ huynh và giáo viên được phỏng vấn cho biết trẻ em thường bắt chước hành động mà chúng thấy trên phim, chẳng hạn như đánh nhau", nguồn tin nói thêm.

Một giáo sư luật của Đại học Đông Nam ở Nam Kinh, cho rằng Trung Quốc nên có một hệ thống phân loại các phim hoạt hình. Tờ Yangtze Evening News dẫn lời ông: “Địa hạt phim hoạt hình cần được tuân theo hệ thống. Nếu không có bảng phân loại và quản lý, nhà sản xuất phim sẽ không hình dung được phân khúc thị trường mục tiêu của họ”.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/21-phim-hoat-hinh-bi-phan-doi-o-trung-quoc-post1203629.html