222 điểm trải nghiệm, thực hành về PCCC và CNCH trên toàn quốc
Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chuyển tải đến người dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và thoát nạn; đồng thời hướng dẫn người dân thực hành sử dụng một số phương tiện chữa cháy tại chỗ và tham gia những tình huống thoát nạn cụ thể.
Ngày 7/10, tại trụ sở Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) ở số 1 phố Vũ Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp cùng trường Đại học PCCC, Công an TP Hà Nội, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam, Công ty Cổ phần Hội chợ triển lãm và quảng cáo Việt Nam tổ chức hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho cộng đồng nhân dân.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, đây không phải lần đầu tiên Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng như Công an các địa phương tổ chức các hoạt động trải nghiệm kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH cho nhân dân. Tuy nhiên, lần tổ chức này rất đặc biệt vì diễn vào đúng tháng 10 nhân kỷ niệm 22 năm Ngày toàn dân PCCC và được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc với 222 điểm tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC và CNCH cho người dân tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và các địa điểm bảo đảm không gian và các điều kiện phù hợp để người dân tham gia.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, để tạo ra nền tảng xã hội vững chắc trong công tác PCCC và CNCH thì phải giáo dục đào tạo cho các thế hệ học sinh. Đối với mỗi lứa tuổi học sinh, sẽ lựa chọn những phương án trải nghiệm cũng như các kiến thức, kỹ năng phù hợp để có thể nhận thức được. Từ đó, các em về trao đổi, hướng dẫn cho người thân trong gia đình chủ động xử lý tình huống khi phát sinh cháy xảy ra và thoát nạn an toàn, chữa cháy, dập cháy, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện cháy cũng như thiệt hại về cháy gây ra.
Tại trụ sở của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, người dân, học sinh, sinh viên đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở hộ gia đình, nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, được giới thiệu trang thiết bị phương tiện chiến đấu hiện đại của Cảnh sát PCCC và CNCH; giới thiệu mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư.
Em Nguyễn Trúc Quỳnh, sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội cho biết: "Buổi thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc rất bổ ích áp dụng vào thực tế khi xảy ra cháy. Trải nghiệm thực tế trong môi trường này, em mới thấy nguy hiểm khi khói nhiều, không nhìn thấy gì... và được Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn bò thấp phía dưới, sử dụng khăn ướt bịt kín mũi, em mới có thể di chuyển ra phía ngoài an toàn".
Người dân được hướng dẫn trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH như: trải nghiệm thoát nạn sử dụng xe thang; thực hành rải vòi chữa cháy; thực hành phun nước vào hộp tiêu điểm; trải nghiệm cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; thực hành di chuyển người tay không; thực hành thoát nạn trong không gian hạn chế; thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas; hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu.
Dự kiến trong 2 ngày (7 và 8/10), số lượng người tham gia trải nghiệm kỹ năng PCCC, CNCH tại tất cả các điểm khoảng 300 nghìn người. Riêng trong buổi sáng 7/10, tại trụ sở Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã có khoảng trên 2 nghìn người tham dự.
Tại Đà Nẵng:
Gần 500 người dân, học sinh, sinh viên... đã được trải nghiệm các kỹ năng chữa cháy và thoát nạn trên các phương tiện PCCC & CNCH thực tế tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Theo Đại tá Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đây là dịp để người dân, học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu, học tập, cũng như có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế và thực hành kỹ năng PCCC và thoát nạn trên các phương tiện chuyên dùng, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu và kỹ năng cứu nạn, cứu hộ khác.
Trong 2 ngày, người dân được trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm: Trải nghiệm thoát nạn bằng xe thang, cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói, thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ gas, di chuyển người tay không; hành rải vòi chữa cháy, biểu diễn kỹ thuật sử dụng dây cứu nạn, cứu hộ, leo dây không có dụng cụ hỗ trợ, thoát nạn sử dụng bộ dây hạ chậm…
Tham gia chương trình này, bên cạnh các hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhiều người dân, học sinh, sinh viên còn được giới thiệu, tìm hiểu về các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy cần thiết, mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, mô hình điểm chữa cháy công cộng… đang được triển khai trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh thành trên cả nước.
Dịp này, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng cũng đã giới thiệu các trang thiết bị, phương tiện PCCC, cứu nạn hiện đại như robot chữa cháy điều khiển từ xa TAF35. Đây là Robot chữa cháy do công ty của Đức chế tạo có chiều dài khoảng 3m, nặng 3.950 kg, khả năng phun nước chữa cháy xa đến 80 mét.
Tại TP Hồ Chí Minh:
Chương trình tuyên truyền trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người dân và học sinh TP Hồ Chí Minh được Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện tại trụ sở chính và 22 điểm trên địa bàn các quận huyện, TP Thủ Đức trong 2 ngày 7 và 8/10.
Tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, hơn 300 em học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân cùng thầy cô giáo đã được ban tổ chức chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như: tuyên truyền kiến thức, pháp luật PCCC và CNCH; hướng dẫn các biện pháp thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy.
Ngoài ra các học sinh còn được nghe và xem thực tế mô hình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Fiber last; nghe về công dụng của app báo cháy và cứu nạn cứu hộ (Help 114)...
Các học sinh hào hứng khi tham gia thử nghiệm sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng thoát khỏi đám cháy có khói và khí độc, kỹ năng đu dây thoát hiểm khi có đám cháy ở nhà cao tầng và đặc biệt, rất nhiều học sinh muốn trải nghiệm được thoát nạn bằng xe thang chữa cháy. Một số học sinh khi hỏi đến đều cho biết, việc trải nghiệm thoát nạn bằng nhiều phương án rất bổ ích.
Kinh nghiệm từ việc trải nghiệm các em sẽ về truyền đạt lại cho người thân trong nhà. Nhiều học sinh mong muốn có thêm nhiều chương trình như thế này để các em có cơ hội rèn luyện thuần thục các kỹ năng thoát hiểm để khi có sự cố cháy nổ xảy ra, các em có kiến thức để tự thoát nạn cho bản thân cũng như cho các thành viên trong gia đình.