23 đạo sắc phong quý hiếm ở đền Trấn Vũ mang nội dung gì?

23 đạo sắc phong tại đền Trấn Vũ (Thạch Bàn-Hà Nội) vừa được công nhận là tư liệu lưu trữ quốc gia quý hiếm.

23 đạo sắc phong tại đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, HN) vừa được công nhận là tư liệu lưu trữ quốc gia quý hiếm

23 đạo sắc phong tại đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, HN) vừa được công nhận là tư liệu lưu trữ quốc gia quý hiếm

Công nhận 23 sắc phong từ 300 năm trước

Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử Việt Nam, cũng như sau một thời gian dài được các nhà khoa học và hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá và đề xuất. Vừa qua, 23 đạo sắc phong tại Đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đã chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn là tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Theo đó, tất cả 23 đạo sắc phong này đều là bản gốc, được làm bằng giấy Dó và trang trí hình rồng, trên mỗi bản được ghi rõ bằng văn tự Hán Nôm, có con dấu, ấn triện của nhà Vua, được lưu truyền qua nhiều đời. Các sắc phong được lưu giữ từ đời vua Lê Hiển Tông niên đại Cảnh Hưng (1740) đến thời Nguyễn (1940). Tính đến nay, đã trải qua gần 300 năm, các đạo sắc phong này vẫn được nhân dân lưu giữ nguyên vẹn bản gốc.

Ông Ngô Quang Khải (Trưởng ban Quản lý Đền Trấn Vũ) cho biết, những đạo sắc phong này là tư liệu quý hiếm, có giá trị về mặt lịch sử, kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội… Cũng theo ông Khải, nội dung là những ghi nhận của nhà vua về công lao của Đức thánh Trấn Vũ đã giúp nước dẹp giặc, mang lại yên bình cho nhân dân. Qua đó, nhà vua cũng mong muốn cầu cho nhân dân được bình an hạnh phúc và nhắc nhở trách nhiệm con cháu đời sau phải thờ phụng, hương hỏa để nghĩ về công lao to lớn của Đức thánh với đất nước.

Thực tế, tháng 3/2018, Sở Nội Vụ Hà Nội đã công bố và trao quyết định công nhận 211 đạo sắc phong tại 13 cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Ngoài 23 đạo sắc phong của đền Trấn Vũ, còn có tại các đình như Yên Xá, Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì); Tô Khê, Hàn Lạc (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm); Bát Tràng, Mẫu Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm); Vụ Bản (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn)… Các sắc phong này đều có từ khoảng thế kỷ 15 dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của Nhà Vua.

Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, đối với những sắc phong đã được kiểm định và thực sự chính xác, trên đó sẽ có rất nhiều giá trị đối với khoa học. “Về mặt hình thức, chúng ta có thể tìm hiểu được kỹ thuật làm giấy của thời kỳ đó, nghiên cứu thư pháp. Ngoài ra trên các sắc phong bao giờ cũng có hình vẽ hội họa, có ngôn ngữ, bao gồm ngữ pháp, từ vựng…, ấn triện qua các thời kỳ. Về mặt nội dung, chúng ta có thể nghiên cứu về các vị thần, các nhân vật và chức sắc được ghi trong đó nhằm bổ sung cho các tài liệu lịch sử”, ông chia sẻ.

Bà Vũ Thu Hà. Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên trao Quyết định công nhận 23 đạo sắc phong là tài liệu quý hiếm cho đại diện lãnh đạo phường và Tiểu ban quản lý di tích. Ảnh: Long Biên

Bà Vũ Thu Hà. Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên trao Quyết định công nhận 23 đạo sắc phong là tài liệu quý hiếm cho đại diện lãnh đạo phường và Tiểu ban quản lý di tích. Ảnh: Long Biên

Nhiều hiện tượng buôn bán sắc phong

Mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử nên bảo vệ các đạo sắc phong trở thành điều cấp thiết khi thời gian qua, vấn đề bảo tồn các đạo sắc phong còn nhiều hạn chế. Chi cục Văn thư - Lưu trữ của Sở Nội Vụ Hà Nội đã thống kê, việc quản lý các đạo sắc phong trên cả nước chưa chặt chẽ, bị mất mát và thất thoát nhiều, có nhiều hiện tượng buôn bán các sắc phong. PGS.TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam chỉ ra, các đạo sắc phong được lưu trữ trong các cơ sở thờ tự của cộng đồng, nên việc bảo quản không tốt khiến các sắc phong bị rách, mất chữ. Chưa kể, nhiều nơi còn có các sắc phong bị sao chép không có dấu, thậm chí bị nhầm lẫn của cơ sở thờ tự này sang cơ sở thờ tự khác.

TS Phạm Quốc Quân cũng cho biết thêm, từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đưa công văn xuống các địa phương để thống kê, nắm được tình hình di sản. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do nhiều hoàn cảnh khách quan, khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa quan tâm được hết. Bản thân người dân cũng chưa có ý thức quan tâm để giữ gìn và bảo vệ, hoặc có thì cũng chưa có phương pháp bảo quản phù hợp.

“Việc công nhận các đạo sắc phong là tư liệu lưu trữ quý hiếm là một bước đi đáng biểu dương. Làm được điều ấy cũng là cảnh báo cho cộng đồng có định hướng trong việc bảo quản, tu bổ di sản tốt hơn. Ngoài ra, khi sắc phong được công nhận thì đó cũng là trách nhiệm để cộng đồng có thể gìn giữ, phát huy. Bản thân các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần quan tâm hơn để nắm được trữ lượng di sản, theo dõi được sự xuống cấp, tu bổ di sản trong cộng đồng như thế nào”, ông Quân nhấn mạnh.

Được biết, sau khi đạo sắc phong được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm, các cơ sở thờ tự sẽ phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ an toàn tài liệu, đồng thời thực hiện bảo quản khoa học nhằm kéo dài “tuổi thọ” của các đạo sắc phong. Cùng đó, các cơ sở cũng phải báo cáo về tình trạng tài liệu lưu trữ quý hiếm cho ban quản lý nhà nước, để có hỗ trợ phương pháp bảo quản và tu bổ, phục chế nếu bị hư hỏng.

Hồ An - Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/23-dao-sac-phong-quy-hiem-o-den-tran-vu-mang-noi-dung-gi-d253359.html