23 năm thành lập và phát triển của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc
Sáng 1/6, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng 266- Thụy Khuê, Hà Nội, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã kỷ niệm 23 năm thành lập, phát triển - Một chặng đường gian khổ tự hào.
Tới dự có TS Lê Công Lương – Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, các Giáo sư, Tiến sĩ, NSND, NSƯT, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ.
Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam TS Lê Công Lương; nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Lê Tiến Thọ; Nhà thơ Bằng Việt đã phát biểu nêu bật hoạt động thiết thực, hiệu quả của Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hoạt động của Viện trong chặng đường hơn 20 năm qua đã góp phần bảo tồn, phát huy văn dân tộc theo phương châm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
NSƯT, Nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt (ảnh trên), Phó Viện Trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phát biểu nêu rõ:
Từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, trước ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa bên ngoài và tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi cơ chế thị trường, thực trạng văn hóa dân tộc có nhiều biểu hiện khủng hoảng, chúng tôi những người hoạt động văn hóa dân tộc suy nghĩ phải làm điều gì đó để giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Được sự ủng hộ của Ban Tổ chức cán bộ của Chính Phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, Bộ Văn hóa Thông tin khi đó… Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Dân tộc được thành lập ngày 01/06/2000. Buổi ra mắt Trung tâm tại hội trường Bộ Văn hóa Thông tin được nhiều văn nghệ sĩ lớn như: Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Sơn Tùng, nhạc sĩ Trần Hoàn, NSND Đào Mộng Long, nhà viết kịch Học Phi, nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Thuận Yến... và đông đảo văn nghệ sĩ tri thức ở thủ đô Hà Nội tới dự. Tiếp theo, Tạp chí Văn hiến Việt Nam - diễn đàn của Trung tâm cũng ra đời, thực hiện nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong sự nghiệp đổi mới phát triển, giao lưu hội nhập của đất nước.
Các đại biểu tham dự kỷ niệm 23 năm thành lập Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Ba năm sau ngày thành lập và hoạt động với nhiều kết quả có uy tín, năm 2003, để mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động của Trung tâm, được sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TƯ), sau cuộc hiệp y của nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật VN, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS Hồ Uy Liêm, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật VN, Trung tâm đã được tiếp nhận và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, thành viên duy nhất về Văn học nghệ thuật trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Sau 19 năm hoạt động sôi nổi, hiệu quả, gây nhiều tiếng vang, để nâng cấp các hoạt động khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát Huy Văn hóa Dân tộc, tháng 8/2019, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã ra Quyết định đổi tên Trung tâm thành Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc
Nhớ buổi đầu thành lập năm 2000, Viện chỉ có hơn 10 thành viên như GS Hoàng Chương, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh, GS.VS Hồ Tôn Trinh, GS Trường Lưu, nhà văn Thanh Hương, PGS.TS Đoàn Thị Tình, Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, TS Nguyễn Minh San…chỉ sau một thời gian ngắn, Viện đã trở thành nơi hội tụ đông đảo giới tri thức khoa học xã hội văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa dân tộc với những tên tuổi như GS. AHLĐ Vũ Khiêu, GS Trần Bảng, GS Hoàng Châu Ký, GS Trần Nghĩa, GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Thái Kim Lan…, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Phạm Thị Thành, NSND Tâm Chính, NSND Đàm Liên, NSND Hoàng Đạt, NSND Bạch Tuyết, NSND Lê Huy Quang…, các PGS Tất Thắng, Đặng Việt Bích, Nguyễn Thị Minh Thái, các Tiến sĩ Phạm Việt Long, Nguyễn Cát Điền…, các nhà viết kịch Lê Thành Chơn, Trung Đông, Nguyễn Thế Kỷ, Văn Sử, Văn Trọng Hùng, Trầm Hương, Đặng Vương Hưng…, các NSƯT Nguyễn Thế Phiệt, Bạch Vân, Bằng Thái, Trần Trung Sinh…, các nhà báo Phạm Đức Lượng, Nguyễn Hoàng Mai, Đặng Đức Duy, Tố Hoa, Ngọc Anh, Quang Long, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đức Tuấn, Lê Tấn Minh, Trần Quang Tuấn, Trần Trung Sáng, Nguyễn Hữu Thi, Phan Văn Hữu…, các nghệ sĩ rối nước mini Phan Thanh Liêm, Hoàng Hương Giang. Ngoài ra, Viện còn có sự tham gia ủng hộ tích cực của một số doanh nhân như Tổng Giám đốc Công ty giấy Bãi Bằng Trần Ngọc Quế, Tổng Giám đốc Tổng Công ty sách VN, nhạc sĩ Trần Tấn Ngô, Tổng Giám đốc Công ty ATI Đinh Đức Hữu, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thành Nghĩa TPHCM Võ Thành Tân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Ngô Ngọc Tuân, Giám đốc và Phó Giám đốc hệ thống nhà hàng cá Lăng Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Hạnh, Giám đốc Công ty Truyền thống Phúc Hưng Đào Minh Hoan….
Nếu trong năm 2000, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn dân tộc chỉ có Văn Phòng Trung tâm và Tạp chí Văn hiến Việt Nam thì đến nay, sau 23 năm xây dựng và phát triển, Viện đã có hàng chục đơn vị trực thuộc như các Cơ quan Đại diện tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đoàn Múa rối nước mini Phan Thanh Liên, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc, Tạp chí Điện tử Văn hiến VN, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Đồng bằng Bắc Bộ, Hội thơ Đường luật VN, Trung tâm Văn hóa Quan họ truyền thống Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa Ẩm thực dân tộc miền Bắc, Trung tâm Văn hóa Ẩm thực Miền Nam, Trung tâm Đào tạo nghệ thuật Bảo Hà, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Thơ ca Đất Việt, Trung tâm nghệ thuật Sao Thủ đô, Trung tâm Thơ Lục bát Vạn Xuân, CLB Ca trù do NSƯT Bạch Vân làm Chủ nhiệm và Trung tâm âm nhạc dân tộc đã kiên trì, bền bỉ biểu diễn, quảng bá văn hóa dân tộc tại phố cổ Hà Nội… và hàng trăm CLB hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống tại các vùng miền, hàng năm tổ chức biểu diễn tổng kết giao lưu để đánh giá kết quả của các công trình nghệ thuật của các CLB đã sưu tầm, dàn dựng và nghiên cứu thành công các tiết mục biểu diễn được các địa phương đánh giá cao về những hoạt động này.
Có thể nói thành tựu nổi bật nhất, được xã hội đánh giá cao nhất của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trong 23 năm qua là các thành tựu nghiên cứu khoa học. Viện đã tập trung nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu để hoàn thành xuất sắc 5 đề tài nghiên cứu cấp bộ là: Nghệ thuật Múa rối nước, Tìm về cội nguồn Quan họ, Cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, 100 năm Nghệ thuật Cải lương (Do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật VN giao) và Nghệ thuật Dân ca kịch Bài chòi (Do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao). Cả 5 công trình khoa học này sau khi được nghiệm thu đã được các nhà xuất bản trong nước xuất bản phục vụ bạn đọc, được dư luận đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài 5 công trình khoa học đó, 23 năm qua Viện đã phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo khoa học với nhiều đề tài phong phú phục vụ thiết thực hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc. Có thế nhắc đến một số hội thảo gây được dấu ấn trong đời sống văn hóa đất nước như các hội thảo Văn hiến, Văn học Nghệ thuật các địa phương vùng miền như Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Hội thảo về các danh nhân lịch sử văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Quang Trung, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Lê Đại Cang, Á Nam Trần Tuấn Khải, Mịch Quang, Thanh Hương, Xuân Trình, Ưng Bình Thúc Giạ Thị… Hội thảo về bảo tồn và cách tân các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc phục vụ cuộc sống hôm nay như Tuồng, Chèo, Cải lương, Bài chòi, Múa rối nước… Hội thảo về các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến như như Hội thảo về đường Trường Sơn, về các liệt sĩ Lam Hạ (Hà Nam), về vị tướng tình báo lỗi lạc Hoàng Minh Đạo… Các hội thảo về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới với sự tham gia của một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Gần đây do dịch bệnh kéo dài Viện đã cùng hai địa phương tổ chức Hội thảo “Văn hóa Đồng chiêm Bình lục, truyền thống và hiện đại”; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Lảnh Giang trong kỷ nguyên số”năm 2022.
Kết quả của các hội thảo này là hàng chục cuốn sách có giá trị khoa học và thực tiễn được Viện và các cơ quan xuất bản Trung ương, địa phương phối hợp công bố phục vụ bạn đọc rộng rãi trong cả nước.
Một trong những thành công không thể không nhắc đến của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc là đã lập và đề nghị Chính phủ, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục cho thực hiện hai dự án lớn, được tiến hành trong nhiều năm là dự án “Sân khấu học đường” và Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”.
Năm 2003, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tôc trình Chính phủ Dự án“Sân khấu học đường”, dự án đưa các loại hình sân khấu truyền thống vào các trường học, tạo nên lớp khán giả trẻ và phát hiện các tài năng sân khấu trẻ. Chính phủ đã phê duyệt và Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cùng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã phối hợp thực hiện dự án này từ năm 2003 đến 2015 ở hàng trăm trường Trung học phổ thông cơ sở trên cả ba miền đất nước. Nội dung chính của chương trình là các nghệ sĩ sân khấu các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch (tùy theo vùng miền) đến biểu diễn phục vụ và giúp các trường này xây dựng một đội nghệ thuật sân khấu gồm cả diễn viên, nhạc công có thể biểu diễn phục vụ một tiết mục hay một trích đoạn sân khấu truyền thống. Chương trình này đã được ngành giáo dục, ngành văn hóa và các địa phương hoan nghênh nhiệt liệt và cho thấy nếu được tiếp cận trực tiếp và bài bản, nghệ thuật sân khấu truyền thống không hề xa lạ mà rất thu hút với thế hệ trẻ và đem lại nhiều hy vọng về việc tạo nên lớp khán giả mới cũng như phát hiện các tài năng mới cho sân khấu truyền thống.
Năm 2008, từ một cuộc gặp gỡ giữa GS Viện trưởng Hoàng Chương và Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật”, đã hình thành được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phê duyệt, cấp kinh phí cho Viện thực hiện. 10 năm qua (2008-2018), Chương trình đã tổ chức hàng chục hội thảo về văn hóa giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương khác, xuất bản 3 cuốn sách về văn hóa giao thông. Chương trình đã tổ chức sáng tác và dàn dựng nhiều ca khúc, các vở kịch nói, vở chèo phát vào tối thứ bảy trên Đài Tiếng nói VN, nhiều tiểu phẩm hài kịch, in hàng ngàn đĩa hình ca nhạc để phổ biến trong cả nước. Chương trình còn tổ chức phát động thiếu nhi toàn quốc vẽ tranh về văn hóa giao thông, tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về văn hóa giao thông. Chương trình đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và dư luận đánh giá cao tính thiết thực, hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng,
Cùng với hai Dự án lớn trên, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc đã xây dựng, trình bày dự án “Phục hồi nghệ thuật Bài chòi ở thủ đô Hà Nội” và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp kinh phí cho phép thực hiện trong hai năm 2010-2011. Dự án này đã đưa đoàn nghệ sĩ Bài chòi dân gian từ Bình Định ra Hà Nội tổ chức chơi Bài chòi phục vụ nhân dân thủ đô vào mùa xuân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chương trình tập hợp một số nghệ sĩ Bài chòi xuất sắc ở miền Bắc, mời một số nghệ sĩ Tuồng nổi tiếng sang học bài chòi và đã phục hồi thành công “Thoại Khanh - Châu Tuấn” vở Bài chòi được coi là kinh điển của bộ môn sân khấu có nguồn gốc từ miền Trung nhưng lại ra đời trên Thủ đô nghìn năm văn hiến. Vở diễn đã được công diễn tại Nhà hát Lớn vàđi phục vụ một sốđơn vị quân đội đưa bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa thế giới trở lại với công chúng thủ đô.
23 năm qua không chỉ nghiên cứu bảo tồn quảng bá nghệ thuật văn hóa dân tộc ở trong nước, Viện còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống VN ra thế giới. GS Hoàng Chương nhiều năm được các trường đại học Mỹ mời sang giảng dạy về sân khấu VN, Đoàn múa rối nước mini Phan Thanh Liêm đã đi biểu diễn ở hàng chục nước Á Âu. Viện cũng phối hợp với Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam đem nghệ thuật truyền thống Việt Nam đi biểu diễn ỏ nước ngoài. Viện cũng đã tổ chức một Đoàn nghệ thuật dân gian do GS Hoàng Chương dẫn đầu biểu diễn giao lưu tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế tại Tokyo. Đầu năm 2020 do dịch bệnh covid 19 bùng phát và kéo dài Viện đã chỉ đạo các đơn vị chuyển hướng hoạt động, thích nghi với muôn vàn khó khăn, ngoài việc thực hiện chức năng của Viện các đơn vị đã phát động sáng tác hàng ngàn bài thơ, in được 4 quyển thơ có giá trị, Tạp chí Văn hiến VN và Cơ quan đại diện của Viện tại Tp Hồ Chí Minh đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng và hàng tấn hàng cho các tỉnh bị dịch bệnh, bị lũ lụt ở Miền Trung. Trung tâm ẩm thực khu vực phía Bắc, Trung tâm ẩm thực khu vực phía Nam đã ủng hộ hàng ngàn xuất quà cho các bệnh viện và giải cứu nông sản cho nông dân một số tỉnh với tinh thần vì cộng đồng.
23 năm là khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng cũng không thể nào kể đầy đủ các hoạt động của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và các đơn vị thành viên.Nhưng có thể nói là hoạt động của chúng ta rất phong phú, hiệu quả, được cộng đồng hoan nghênh, lãnh đạo Đảng, nhà nước biểu dương.
23 năm xây dựng và trưởng thành, Viện vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng:
1 Huân chương Lao động hạng 3
Hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Ba Cờ thi đua của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật VN
Hàng chục Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Lãnh đạo Liên hiệp Hội trao tặng hàng năm.
Chúng ta thật tự hào với những phần thưởng cao quý này. Để có được niềm tự hào chính đáng này, thay mặt lãnh đạo Viện, chúng tôi xin hết sức cám ơn sự quan tâm khích lệ Tổng Bí thư, Chú tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đ/c Phạm Quang Nghị, các nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan… Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm chỉ đạo ủng hộ đầy trách nhiệm của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, GS.VS Đặng Vũ Minh, GS Hồ Uy Liêm, TS Phạm Văn Tân, GS.TS Phan Xuân Dũng, Phạm Quang Thao và các Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN cùng Đảng ủy, các phòng ban của Liên hiệp Hội. Chúng tôi cũng xin cám ơn các ban ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, cá nhân đã hợp tác nhiệt tình với Viện chúng tôi trong 23 năm qua. Cuối cùng chúng tôi xin đặc biệt cám ơn GS- Viện trưởng-AHLĐ Hoàng Chương và tất cả các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo và các thành viên của Viện đã đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, bền bỉ qua 23 năm hoạt động trong những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, từ tay trắng dựng nghiệp tạo nên các thành tích và tiếng tăm đáng tự hào của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, một đơn vị xã hội hóa thành công trong hoạt động khoa học văn hóa nghệ thuật.