24 giờ, TPHCM chỉ phát hiện 6 ca nhiễm mới

Trong 24h giờ qua, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận 6 trường hợp nhiễm mới trong các khu chế xuất, công nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng so với các ngày trước đây khi số ca nhiễm trong môi trường sản xuất có thể lên đến hàng trăm ca.

Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại họp báo chiều 19/7 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Thành phố hiện có 2.140 trường hợp F1 đang cách ly tại nhà ở 16 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Đáng chú ý, trong 24h giờ qua, Thành phố chỉ ghi nhận 6 trường hợp nhiễm mới trong các khu chế xuất, công nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng so với các ngày trước đây khi số ca nhiễm trong môi trường sản xuất có thể lên đến hàng trăm ca.

Về chủ trương doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép trong tình hình hiện nay, Thành phố yêu cầu chỉ cho phép doanh nghiệp được sản xuất khi đáp ứng một trong hai phương án: ba tại chỗ hoặc một cung đường - hai địa điểm. Hiện có 277 doanh nghiệp được cấp phép triển khai hoạt động.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, ngành y tế đang tận dụng cơ sở vật chất khoa hồi sức cấp cứu của một số bệnh viện để tăng cường điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng như là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh việc Chợ Rẫy và mới nhất là Bệnh viện 175.

Thành phố có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang mở rộng thêm 5 bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh đó, Thành phố hiện có nhiều khu tái định cư rộng rãi đủ điều kiện để làm bệnh viện dã chiến. Do đó, năng lực tiếp nhận F0 hiện nay nằm trong khả năng của Thành phố. Tuy nhiên Thành phố cũng có những giải pháp chuẩn bị cho các tình huống dịch phức tạp sắp tới.

Về trang thiết bị, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết cơ bản có đủ máy thở và thiết bị ECMO cho công tác điều trị. Hiện nay, ngành y tế cũng đang đầu tư nhiều trang thiết bị. Nhiều doanh nghiệp cũng tài trợ máy móc cho công tác điều trị trong suốt hơn một năm qua.

Ông Nam cũng cho hay, hiện nhiều bệnh viện và bệnh viện dã chiến kêu gọi huy động hỗ trợ trang bị máy thở là sự chủ động chuẩn bị trang thiết bị cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra, không phải để đến lúc cần và thiếu máy thở mới xin khẩn cấp.

Việc trang bị cho các bệnh viện dã chiến bình oxy nhằm sử dụng khi bệnh nhân từ không có triệu chứng chuyển sang có triệu chứng được thở oxy và chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ngành y tế hiện đã trang bị 4 bình oxy cao áp với 12 tấn oxy/bình để mỗi bệnh viện dã chiến có oxy đầy đủ. Ngành y tế cũng phân bổ 180 bình oxy về các quận huyện.

Về tình hình cung ứng hàng hóa, hàng thiết yếu cho người dân những ngày qua, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết sức mua đã giảm so với những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên các đơn vị vẫn tiếp tục tăng lượng hàng dự trữ cũng như phương án phân phối hàng hóa đến với người dân.

Tính đến sáng 19/7, chỉ 40 chợ truyền thống được hoạt động. Ngay trong chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phan Thị Thắng đã ký văn bản triển khai xem xét và mở lại một số chợ truyền thống trên tiêu chí phải đảm bảo an toàn phòng dịch và thí điểm bán một số mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Ông Phương cho biết tốc độ mở lại chợ truyền thống sẽ được đẩy nhanh trong những ngày sắp tới sau khi đánh giá điều kiện an toàn phòng dịch nhằm nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Băng Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/24-gio-tphcm-chi-phat-hien-6-ca-nhiem-moi/438903.vgp