24 ngày tổ chức xong 3 cuộc thi?
Tối 26/8, sẽ diễn ra lễ trao giải: 'Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc -2023', 'Cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2022' và 'Cuộc thi Tài năng múa toàn quốc 2023'.
3 cuộc thi này do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2023 của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Ngày 2/8, tức là ngày Bộ VHTTDL ra Quyết định về việc tổ chức 3 cuộc thi, nhưng đến khi tổ chức xong ba cuộc thi và tiến hành trao giải (tối 26/8), khoảng thời gian chỉ có 24 ngày.
Tại sao lại có sự gấp gáp này? Trong khi theo dự kiến các cuộc thi như thế này thường 3 năm tổ chức một lần. Tại sao một thời gian dài vừa qua mà Bộ VHTTDL và Ban Tổ chức lại không Quyết định sớm để thông báo cho các đoàn nghệ thuật chuẩn bị? Hơn nữa, sau khi có Quyết định của Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì thì Cục Nghệ thuật biểu diễn mới có thể ban hành các Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức và Hội đồng chấm giải. Trong các ngày 15, 16 và 17/8/2023 Cục Nghệ thuật biểu diễn ra các Quyết định thành lập này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 cuộc thi đã được tổ chức, liệu rằng tất cả các đoàn nghệ thuật có đủ thời gian để chuẩn bị tốt nhất cả về nhân lực và tác phẩm cho diễn viên tham gia cuộc thi? Phải chăng chính vì thời gian quá gấp gáp mà trong thành phần Hội đồng giám khảo của Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói vắng bóng nghệ sĩ ở TPHCM, nơi hoạt động sân khấu kịch xã hội hóa đang sôi động nhất toàn quốc?
Đáng bàn nhất trong 3 cuộc thi lần này là Cuộc thi Tài năng múa rối. Năm ngoái cuộc thi đã lỡ hẹn. Nhưng không vì thế mà công tác chuẩn bị từ ra Quyết định thành lập ban tổ chức hay Quy chế tổ chức cuộc thi được ban hành sớm. Ngày 14/7/2023, dù Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ động ban hành trước Quy chế chấm, xét giải, tức là trước 2 tuần khi Bộ VHTTDL ra Quyết định tổ chức cuộc thi (ngày 2/8/2023) nhưng cũng chỉ thu hút được 19 diễn viên của 5 đoàn nghệ thuật tham gia (chủ yếu vẫn là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng; Nhà hát Múa rối Việt Nam; Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; Nhà hát Múa rối Thăng Long). Nhìn vào quy chế của Ban tổ chức, có thể hiểu tại sao lại ít diễn viên tham gia dự thi như vậy. Bởi vì, đối tượng dự thi là từ 18 đến 45 tuổi trong các đoàn nghệ thuật trong và ngoài công lập. Những diễn viên đã giành giải Nhất hoặc Huy chương Vàng thuộc các cuộc thi trước thì không được thi. Mỗi đoàn lại không được cử quá 6 người dự thi. Trong cùng một tiết mục, trích đoạn lại không quá 2 người dự thi…
Thời gian cuối cùng cho đoàn nghệ thuật đăng ký cho diễn viên tham gia Cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc 2022 cũng phải trước ngày 5/8/2023, tức là sau ngày Bộ VHTTDL ban hành Quyết định tổ chức cuộc thi 2 ngày. Mốc thời gian cũng kỷ lục.
Với loại hình nghệ thuật múa rối, hiện nay rất khan hiếm diễn viên. Nhiều đơn vị nghệ thuật trong nhiều năm không tuyển thêm được diễn viên để đào tạo. Trong khi lớp diễn viên gạo cội không ít người muốn dời nghề. Thu nhập từ nghề rất hạn chế, chế độ đãi ngộ không cao cùng các cơ chế tuyển dụng còn bất cập. Nên chăng Bộ VHTTDL xem xét mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia cuộc thi, hoặc mở rộng thêm giải cho đạo diễn, biên kịch, thay vì chỉ diễn viên? Như thế vừa động viên được nhiều nghệ sĩ, lại vừa tránh được sự lãng phí ngân sách nhà nước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/24-ngay-to-chuc-xong-3-cuoc-thi-5726663.html