25 đại sứ châu Âu: COP26 phải là bước ngoặt cho giải pháp khí hậu
Viết trên Zing, đại sứ 24 nước châu Âu và EU khẳng định không còn thời gian để chần chừ cho hành động chống biến đổi khí hậu, và đây là thời điểm cho các giải pháp thiết thực.
Những bằng chứng đều rất rõ ràng. Vào tháng 8, các nhà khoa học trên thế giới một lần nữa kết luận rằng cần phải hành động ngay lập tức.
Biến đổi khí hậu là vấn đề gần gũi và không mấy dễ chịu với thực tế hàng ngày của chúng ta, bất kể chúng ta đang sống ở đâu trên thế giới.
Nó đang gây ra các loại thảm họa khí hậu mà chúng ta đã thấy gần đây ở mọi nơi trên hành tinh, khiến sự sinh tồn của nhiều loài gặp nguy hiểm và sớm khiến một số khu vực nhất định của Trái Đất trở nên không thể sinh sống được đối với con người.
Như nhà khoa học khí hậu, giáo sư Kimberly Nicholas định hình vấn đề, “Trái Đất đang ấm lên. Chúng ta biết chắc. Đó là điều tồi tệ. Nhưng chúng ta có thể xử lý nó”.
Những tiền đề cho giải pháp
Tại Paris 6 năm trước, cộng đồng quốc tế cuối cùng đã đồng ý cùng bước vào một hành trình đầy tham vọng: Khống chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C. Mặc dù mức độ ấm lên như vậy dường như có thể kiểm soát được, sự khác biệt có thể chính là sự tồn vong.
Đối với cơ thể con người, sự khác biệt giữa 40 và 42 độ C là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Việc kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ có nghĩa là hạn chế sự bất ổn của khí hậu và giảm nguy cơ xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, không phải là mọi tin tức đều tiêu cực. Khoa học cũng cho chúng ta biết rằng một xã hội không carbon là có thể đạt được. Một xã hội của những việc làm xanh và sự tăng trưởng mới có thể khống chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ ra rằng việc tách biệt giữa tăng trưởng và phát thải CO2 là hoàn toàn khả thi (kể từ năm 1990, GDP của chúng tôi đã tăng hơn 60% trong khi lượng phát thải khí nhà kính ròng đã giảm 1/4).
Vào tháng 7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra gói đề xuất lập pháp để thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu và sẽ giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2030, đồng thời trên lộ trình đạt tới sự trung hòa về khí hậu của EU vào năm 2050.
Quá trình chuyển đổi này về cách chúng ta tạo ra và sử dụng năng lượng, di chuyển, xây dựng, làm mát và sưởi ấm nhà và sử dụng đất đai được thiết kế theo cách thức công bằng nhất có thể, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu không, nỗ lực này sẽ không phát huy tác dụng.
Nhưng rõ ràng, EU không thể kiểm soát một mình, vì chúng tôi chỉ phát thải 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Chúng tôi phải truyền cảm hứng cho những người khác - ngay cả những đối tác miễn cưỡng nhất - để tham gia vào hành trình trung hòa với khí hậu này.
Nỗ lực của châu Âu
Hai năm trước, khi EU cam kết trung hòa với khí hậu vào năm 2050, rất ít người tin Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí cả Trung Quốc sẽ làm theo.
Khi chúng tôi đưa ra Thỏa thuận Xanh của EU, ít người hình dung rằng EU sẽ đi vay với mục đích phục hồi xanh để tài trợ cho kế hoạch trung lập khí hậu tham vọng nhất trên thế giới.
Chúng tôi thành lập Liên minh Xanh đầu tiên về trung hòa khí hậu, bắt đầu với Nhật Bản vào ngày 27/5 và chúng tôi đã hối thúc G7 cam kết trung hòa với khí hậu vào tháng 6. Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy G20 làm theo. Và chúng tôi sẽ không ngừng thúc đẩy vì sự tiến bộ.
Chúng tôi kêu gọi tất cả đối tác tăng cường các kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với khí hậu của họ. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, đồng thời đang tiến hành thảo luận về luật Khí hậu, gói 2030 và Chiến lược Thích ứng của khối. Chúng tôi là một trong những nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn nhất thế giới, đem lại 22 tỷ EUR (26 tỷ USD) vào năm 2019, chiếm hơn một phần ba tổng nỗ lực của các nước phát triển.
Và chúng tôi cam kết sẽ mở rộng nguồn tiền này hơn nữa trong những năm tới; chẳng hạn có thể thấy thông qua thông báo gần đây của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen về khoản cấp bổ sung với tổng trị giá 4 tỷ EUR thuộc ngân sách cốt lõi của EU trong giai đoạn 2021-2027.
Nhưng chúng tôi cũng cần những người khác làm nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết của các nước phát triển cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển. Việc huy động thêm nguồn tài chính tư nhân cũng sẽ rất quan trọng trong vấn đề này.
Thời kỳ hành động đã đến
EU chiến đấu mạnh mẽ để giữ cho Thỏa thuận Paris tồn tại. Sau đàm phán thì thời kỳ dành cho hành động vì khí hậu đã đến. Mỗi quốc gia phải gia tăng tham vọng cắt giảm lượng khí thải toàn cầu.
Tuy vậy, UNFCCC vừa công bố một báo cáo gây nhụt chí. Theo các cam kết hiện tại, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức không thể chấp nhận được là 2,7 độ C vào năm 2100 - đây ít nhất sẽ là một viễn cảnh ảm đạm.
Sự thiếu tham vọng có nghĩa là thuế khí hậu sẽ bị đánh bởi chính biến đổi khí hậu, một loại thuế có hại cho mọi người, trả giá bằng sự tàn phá và không có bất kỳ tác động tích cực nào cho xã hội.
Đây là lý do tại sao chúng tôi đã đề xuất một cơ chế điều chỉnh ranh giới carbon linh hoạt, để chỉ sử dụng nó nếu các đối tác không đủ tham vọng về hành động khí hậu.
Quy định một mức giá về carbon là điều cần thiết dù bằng cách này hay cách khác. Đây là một cách làm đã được chứng minh về việc tín hiệu giá cả sẽ kích hoạt sự thay đổi. Chúng tôi muốn đi đầu bằng ví dụ cụ thể và sự cam kết với các đối tác, nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị để hành động nhiều hơn nữa, nếu cần.
Nếu chúng ta thu hẹp được khoảng cách về mặt tài chính và tham vọng, nếu tất cả quốc gia cam kết làm nhiều hơn nữa, thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng khí hậu.
Dựa trên khoa học, những người theo chủ nghĩa hiện thực ngày nay biết rằng cái giá phải trả của việc không hành động là không thể đo đếm được. Thật là viển vông khi tin rằng chúng ta chịu được cái giá của việc không hành động.
Ngay bây giờ chúng ta cần một sự thay đổi mang tính hệ thống và theo cấp số mũ đối với nhiên liệu hóa thạch. Điều này tốt cho sức khỏe của chúng ta, các hộ gia đình của chúng ta, cây trồng của chúng ta, nguồn nước của chúng ta, công việc của chúng ta và các nền kinh tế của chúng ta.
Điều này sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới và cả áp lực từ phía người dân. Mọi hành động đều có giá trị: Cách chúng ta làm việc, thức ăn chúng ta ăn, phương thức chúng ta đi lại. Biến đổi khí hậu sẽ gây ra tác hại đến mức nào đều nằm trong tay chúng ta.
EU nỗ lực đóng vai trò tiên phong trong hành động khí hậu. Chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa và chúng tôi khuyến khích Việt Nam nâng cao tham vọng về khí hậu trước thềm Hội nghị COP26 tại Glasgow vào tháng 11.
Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tăng cường nỗ lực của mình và sẽ giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 và hơn thế nữa, sẽ đưa ra một chiến lược kinh tế xã hội để đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050.
Năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là trọng tâm của quá trình phi carbon hóa của Việt Nam. EU và các quốc gia thành viên là những đối tác của Việt Nam trong nỗ lực này.
Chúng tôi đã và đang cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đáng kể và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong các lĩnh vực rất quan trọng, chẳng hạn như sản xuất năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, quản lý chất thải.
Hành động vì khí hậu có thể và phải diễn ra ở mọi nơi, mọi cấp. Không còn thời gian để không hành động, giờ là thời điểm cho các giải pháp thiết thực, từ cơ bản nhất đến sáng tạo nhất.
Bài viết thể hiện quan điểm thống nhất của đại sứ các nước châu Âu và đại sứ EU tại Việt Nam.
Các đại sứ gồm Đại sứ EU Giorgio Aliberti, Đại sứ Bỉ Paul Jansen, Đại sứ Czech Vitezslav Grep, Đại sứ Đan Mạch Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đức Guido Hildner, Đại sứ Estonia Andres Unga, Đại sứ Ireland John McCullagh, Đại sứ Hy Lạp Georgios Stilianopoulos, Đại sứ Tây Ban Nha Maria Pilar Mendez Jimenez, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery, Đại sứ Italy Antonio Alessandro, Đại sứ Cyprus Agis Loizou, Đại sứ Latvia Maija Manika, Đại sứ Lithuania Diana Mickeviciene, Đại sứ Luxembourg Jean-Paul Senninger, Đại sứ Hungary Csaba Őri, Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman, Đại sứ Áo H.E Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel, Đại sứ Bồ Đào Nha João Bernardo de Oliveira Martins Weinstein, Đại sứ Romania Cristina Romila, Đại sứ Slovenia Alenka Suhadolnik, Đại sứ Slovakia Pavol Svetik, Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto và Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe.
Tựa và các tít phụ do Zing đặt.