25 năm là thành viên ASEAN: Vị thế Việt Nam đã vươn cao
Đúng ngày này 25 năm trước (ngày 28/7/1995- 28/7/2020), Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN-là thành viên thứ bảy của tổ chức này. Trải qua 25 năm, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN-trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này. 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu, rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của của tổ chức khu vực này, đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ASEAN.
"Thành viên quý giá" của cộng đồng ASEAN
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/6 đã phản ánh một thách thức không chỉ đối với cả khối gồm 10 quốc gia thành viên, mà còn là đối với riêng Việt Nam - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 trong khi Covid- 19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.
Trong bài viết về vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam được đăng tải trên tờ Nikkei Asia Review ngày 25/6, Việt Nam được đánh giá là một nước đến sau, gia nhập ASEAN vào năm 1995 - gần 3 thập kỷ sau khi khối này được thành lập - trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tụt hậu so với 6 nước thành viên đã gia nhập ASEAN trước đó. Tuy nhiên, 1/4 thế kỷ sau đó, chúng ta đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam và hiện tại, Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh mẽ bất chấp những tác động gần đây của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với khu vực.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, Việt Nam đã được các nước trên thế giới đánh giá cao khi làm rất tốt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, vì đã kiểm soát được dịch bệnh này.
Về mặt kinh tế, Việt Nam kém phát triển hơn so với nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác, nhưng vẫn sẵn sàng giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch Covid-19, phục hồi nhanh hơn trước sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch và thích nghi với các cơ hội mới hơn hầu hết các nước láng giềng. Việt Nam đã chứng tỏ là một nước chủ nhà có năng lực trong những lần giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trước đây.
Theo đó, Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý xung đột ở Biển Đông và đang nổi lên như là quốc gia bảo vệ hiện trạng lãnh thổ trên tuyến đầu ở khu vực. Quan trọng hơn, Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự phù hợp về thể chế của ASEAN trong khu vực.
Với tất cả các lý do trên, các nước thành viên ASEAN đã tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam, ngay cả trong hoàn cảnh phải tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Noel Servigon đã đánh giá Việt Nam là "thành viên quý giá" của cộng đồng các nước ASEAN. Theo nhà ngoại giao Philippines, Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, đồng thời dẫn dắt các nỗ lực tiếp tục làm phong phú thêm cho chương trình nghị sự và kinh nghiệm của ASEAN.
Về vai trò và sự đóng góp của Việt Nam sau 25 năm gia nhập ASEAN, Đại sứ Noel cho biết, lần đầu tiên ông đến Việt Nam là vào tháng 12/1998, khi Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN, chỉ 3 năm sau khi gia nhập. Sau đó 18 năm, ông trở thành Đại sứ Philippines tại Việt Nam và đã trực tiếp chứng kiến những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong khoảng thời gian đó.
Và khi ASEAN tổ chức "Năm Vàng 2017" nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, ông đã được chứng kiến tâm trạng hồ hởi rộng khắp ở tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Từ những gì quan sát được, ông cho rằng, người dân Việt Nam thực sự gắn bó với ASEAN và tham gia vào cộng đồng ASEAN "ở mức độ cao nhất".
Theo Đại sứ Noel, các tác động tích cực từ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động" vẫn tiếp tục lan tỏa cho đến nay, trong đó có việc thúc đẩy Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân tại các diễn đàn đa phương, tăng cường Hội nghị cấp cao Đông Á với việc kết nạp thêm các quốc gia không phải là thành viên ASEAN, dẫn dắt các cuộc thảo luận về nỗ lực khôi phục và duy trì tài chính y tế của khu vực vốn đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối ASEAN...
ASEAN 2020 - Niềm tin của bạn bè quốc tế
Giáo sư, Tiến sĩ sử học trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg – Vladimir Kolotov nhận định: trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động trong ASEAN để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề cơ bản mà các nước Đông Nam Á đang gặp phải hiện nay.
Theo đánh giá của Giáo sư Kolotov, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vừa qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động trong ASEAN để tìm giải pháp giải quyết các vấn đề cơ bản mà các nước Đông Nam Á đang gặp phải hiện nay.
Cũng theo Giáo sư Kolotov, trong 53 năm qua, đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đã đạt kết quả tốt trong việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Ông cho biết: "Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức cuộc trao đổi ý kiến giữa các thành viên ASEAN và đưa ra chiến lược định hướng tầm nhìn phát triển hiệp hội trong 5 năm tới, đến năm 2025".
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực, như trao đổi kinh nghiệm chống đại dịch Covid-19, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao vai trò của thanh niên, soạn thảo chiến lược phát triển ASEAN trong tương lai.
Với vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường chỉ có thể được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để đảm bảo ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không. Đó là những điều kiện cần thiết nhằm tạo nền tảng thuận lợi để phát triển ASEAN trong tình hình biến động khó lường hiện nay trên thế giới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, bên lề Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình khẳng định, Việt Nam là nước tích cực và tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt về mặt chính sách và khuôn khổ chính sách.
Trước sự quan tâm rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, phiên họp đã thể hiện quyết tâm, thông điệp rõ ràng trong việc thực hiện cam kết tiên phong, ủng hộ đi đầu của Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung trong thúc đẩy hợp tác đa phương và chủ nghĩa đa phương về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới. Phiên họp không chỉ đánh dấu bước chuyển của ASEAN, mà còn khẳng định năng lực dẫn dắt và khởi xướng của Việt Nam trong các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định: "Việt Nam là nước tích cực và tiên phong trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt về mặt chính sách và khuôn khổ chính sách. Đây còn là một trong những mục tiêu hàng đầu của phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đây là vấn đề của tiến bộ xã hội của nhân loại nhưng là một cuộc cách mạng đối với phụ nữ".
Cần phải khẳng định rằng, Việt Nam đã tạo niềm tin của bè bạn quốc tế vào vai trò và năng lực lãnh đạo ASEAN của Việt Nam trong năm 2020; cùng các nước ASEAN tạo nên "điểm sáng hợp tác quốc tế trong bức tranh toàn cầu màu xám" liên quan đến các vấn đề suy thoái, bất bình đẳng xã hội, kinh tế suy thoái, các vấn đề an sinh xã hội, thất nghiệp... hiện nay.