25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Giữ vững trụ cột của hệ thống an sinh

Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Việt Nam hiện là 85.945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đây là nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 25 năm xây dựng và phát triển.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi người tham gia

Ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP về việc thành lập Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH, thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật. BHXH Việt Nam bắt đầu triển khai nhiệm vụ trong toàn hệ thống từ ngày 1/10/1995.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam

Ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển giao tổ chức bộ máy và nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT từ BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Đến nay, sau 25 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, toàn ngành BHXH đã có gần 20.000 công chức, viên chức, với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố; đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 16 triệu người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, gần 86 triệu người tham gia BHYT.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp liên tục tăng theo thời gian. Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu BHXH tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu BH thất nghiệp đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu BHYT đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004).

Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

“Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động là hết sức quan trọng, ngành BHXH đã luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số nợ BHXH năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành. Con số này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết.

Đến nay, toàn ngành luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động được kịp thời, đúng quy định. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).

Tiến tới thực hiện BHXH, BHYT toàn dân

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh: Sau 25 năm xây dựng và phát triển, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện. Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho mọi người lao động theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với người lao động có quan hệ lao động theo quy định và BHXH tự nguyện đối với người lao động làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Chính sách BHYT liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân.

Thực hiện BHYT học sinh tại tỉnh Quảng Nam

Thực hiện BHYT học sinh tại tỉnh Quảng Nam

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành BHXH, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995 -16/2/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam vì có thành tích hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019; trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được BHXH Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể: Số người tham gia BHXH đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ kể từ năm 2008-2018. Số người tham gia BH thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, nước bạn phải mất lộ trình triển khai từ 40 đến 80 năm.

Những năm qua, nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, đồng thời ý thức rõ về trách nhiệm phục vụ nhân dân, ngành BHXH đặc biệt coi trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm hài lòng tổ chức và cá nhân tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.

Cụ thể, thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2012 xuống còn 27 thủ tục hành chính năm 2019). Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/25-nam-thuc-hien-chinh-sach-bhxh-bhyt-giu-vung-tru-cot-cua-he-thong-an-sinh-103537.html