Dịch COVID-19 hoành hành, 259 học viên năm cuối ở Học viện Biên phòng xếp bút nghiên, nhận lệnh lên 4 tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Cao Bằng chống dịch, từ ngày 6/3.
Cán bộ phụ trách chốt 1322 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cùng học viên đi tuần tra đêm. Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, ngoài đội hình tăng cường từ Học viện Biên phòng, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cũng đã tăng cường 170 quân nhân lên tuyến đầu ngay từ khi dịch hoành hành bên Vũ Hán (Trung Quốc) nhằm “khóa chặt” COVID-19. “Những học viên tăng cường năm nay đang có đợt thực tập vất vả nhưng rất sát thực tế, đem lại nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý cho hành trình tương lai”, đại tá Hải nói.
Là trưởng đoàn đội hình của Học viên Biên phòng tăng cường cho biên phòng Quảng Ninh, trung tá Đồng Sơn Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngoài 259 học viên năm cuối, còn có hàng chục cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên quân y, huấn luyện viên chó nghiệp vụ. Riêng tuyến Quảng Ninh được tăng cường 60 người cùng 5 chó nghiệp vụ. 50 học viên ra Quảng Ninh lần này đều quê từ miền Trung trở vào các tỉnh phía nam.
Đứng gác tại chốt liên ngành biên phòng, công an, dân quân và y tế của xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Trương Trùng Dương (SN 1998, quê Hướng Hóa, Quảng Trị, học viên Khoa Phòng chống ma túy và tội phạm) từng 2 lần đạt giải Chiến sĩ khỏe toàn lực lượng biên phòng nên được chọn vào Đội cơ động của Đồn Biên phòng Pò Hèn, sẵn sàng tăng cường cho các chốt của đồn khi có tình huống khẩn cấp. Dương cũng mới trực tiếp tham gia bắt một vụ người Việt Nam vượt biên về nước và đưa đi cách ly.
Học viên Lê Việt Dũng (SN 1998, quê Vũng Tàu) đứng quan sát khắp bờ sông biên giới dưới trời mưa tại mốc 1352 (2) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Pò Hèn. Dũng kể: Hàng ngày thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Thọ lái ca nô kèm cặp Dũng tuần tra kiểm soát dọc bờ sông khoảng 1km. Hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ ở đây thì mưa liên tục 10 ngày nay. Có hôm mưa to, ướt hết chăn phải cởi áo ra đắp ngả lưng trong cái lạnh thấu xương.
Hai học viên Lê Văn Tuấn (quê Quảng Bình) và Lê Thanh Hiếu (quê Đắk Lắk) tại chốt U Bò của Đồn Biên phòng Bắc Sơn. Hiếu cho biết, những ngày đầu nhận nhiệm vụ gác đêm trên đỉnh đồi heo hút, có cả vài ngôi mộ lâu năm ngay sát chốt cộng với mưa gió liên miên nên cũng khá sợ. “Giờ thì quen rồi, lại được trang bị đèn pin, còng, gậy nên em cũng vững dạ”, Hiếu nói.
Dù ăn ở tạm bợ, dồn tất cả tâm trí vào nhiệm vụ chống dịch nhưng các học viên đều tuân thủ nghiêm mọi quy định, điều lệnh nhà binh, trong đó có việc sắp xếp nội vụ gọn gàng như khi ở trường. Thượng tá Đỗ Thái Bình Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: “Thời gian này, các học viên phải tập trung hỗ trợ đơn vị phòng chống dịch, còn nhiệm vụ chuyên môn thực tập, thực tế tạm gác lại. Các cháu về đây chưa quen địa bàn nên có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo sát kèm cặp trong tuần tra, kiểm soát tại các lán, chốt. Ý thức học viên tăng cường đều tốt, chúng tôi rất yên tâm”.
Sau ca gác đêm, một học viên tranh thủ ngủ ngay tại lán dã chiến cho lại sức. Theo trung tá Đồng Sơn Hùng, nhiệm vụ trọng tâm của đội hình tăng cường là phối hợp các đơn vị phòng chống dịch. Đồng thời thực hiện tất cả các mặt công tác của lực lượng biên phòng tại tuyến cơ sở (cấp đồn, trạm). Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên được luân chuyển, xoay vòng nhằm đảm bảo đều thực hiện nhiệm vụ ở những vị trí khó khăn nhất. Đặc biệt, các học viên trong đoàn tăng cường còn phải rèn luyện thực tập gắn với nhiệm vụ chống dịch và coi đây là điều kiện xét tốt nghiệp.
Hai học viên Danh Thành Tài (SN 1998, người Khơ Me, quê Kiên Giang) và Võ Phước Trung (SN 1996, quê Châu Đốc, An Giang) cùng được biên chế về chốt 1322 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô trên địa bàn huyện Bình Liêu. Trung kể: “Năm trước em đã đi biên giới Sơn La thực tế, kết hợp giúp bà con phát triển kinh tế và phòng chống tội phạm ma túy. Trên ấy, tụi em được ở quây quần 10-20 người một tổ giúp dân gặt lúa, làm nương. Lần này đi thực tập thì chia nhỏ mỗi chốt 2 học viên, nếu có người bên kia biên giới qua thì tụi em ngăn lại hoặc nếu người Việt mình bị bên kia đẩy về thì phải thông báo về trạm, sau đó đưa người dân vào khu vực cách ly theo chỉ đạo của trên. Hôm trước, em còn được theo các chú lên rừng nằm cả đêm phục bắt buôn lậu…”.
Hai học viên tăng cường chống dịch tham gia tuần tra trên sông biên giới Ka Long
"Lớp trước dìu dắt lớp sau", học viên Lê Phúc Nghĩa (bên phải, tăng cường cho Đồn Pò Hèn) nghe thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thanh Minh truyền lại kinh nghiệm tuần tra, kiểm soát biên giới.
Hoàng Như Thanh (một trong 15 học viên tăng cường cho Đồn Biên phòng Pò Hèn) cho biết, những ngày đầu, do tình hình căng thẳng nên gác từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, có hôm Thanh gác tới 18 tiếng. Thanh nói: “Tụi em xác định tinh thần ăn rừng, ngủ rừng nên hôm nào nắng mới giặt quần áo. Trên này không khí ẩm ướt và mưa suốt, 10 hôm rồi em chưa giặt quần áo vì sợ không khô nổi”.
Như nhiều lán, chốt khác, ở mốc 1352 (2) không có điện, nước. Mỗi khi thèm chén trà nóng để chống lạnh mà phích nước được trạm chuyển ra không còn thì hai chú cháu (thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Thọ và học viên Lê Việt Dũng) lại kiếm củi đun nước sôi phía trước lán, nhưng trời mưa thì đành chịu.
Ngày gác, đêm gác, mỗi khi có chút thời gian rảnh rỗi là các học viên tăng cường lại tranh thủ ôn bài. Chưa biết khi nào hết dịch nhưng phía trước họ là kỳ thi tốt nghiệp với vô vàn thử thách như ngoại ngữ chuyên ngành, tổ chức chỉ huy, tác nghiệp bản đồ… kết hợp với bài thu hoạch thực tế về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và nhiệm vụ chống dịch.
“Lịch thi của tụi em vào tháng 6, tranh thủ mỗi giờ nghỉ giữa hai ca gác, tụi em về đồn thay đồ, bớt thời gian ngủ để học bài. Trước khi lên biên giới, học viên tụi em được cán bộ quân y tập huấn kiến thức phòng chống dịch nên cũng khá yên tâm”, học viên Trương Trùng Dương chia sẻ.