29 dự án đường bộ được ưu tiên đầu tư trước năm 2030
Báo cáo quy hoạch điều chỉnh mạng lưới đường bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định ưu tiên đầu tư 29 dự án đường bộ quan trọng quốc gia trước năm 2030.
Tại báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT cho biết, có 29 dự án đường bộ thuộc diện dự án quan trọng quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư trước năm 2030.
Theo đó, Bộ GTVT đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ GTVT danh mục dự án quan trọng điểm quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch là định hướng nghiên cứu đầu tư và xem xét bố trí nguồn lực để làm cơ sở triển khai thực hiện (Ảnh minh họa).
Các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Theo Nghị quyết số 81/2023 ngày 9/1/2023 của Quốc hội các dự án trọng điểm quốc gia ngành đường bộ gồm: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây; đường bộ cao tốc Đông - Tây.
Vì vậy, cần cập nhật các tuyến đường này trong danh mục được phê duyệt. Mặt khác các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 cũng được xem xét trên cơ sở triển khai và các định hướng phát triển có liên quan.


Theo Bộ GTVT, danh mục dự án trọng điểm quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch là định hướng nghiên cứu đầu tư và xem xét bố trí nguồn lực để làm cơ sở triển khai thực hiện trong quá trình triển khai quy hoạch.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư và phát triển hệ thống giao thông đường bộ đặc biệt là hệ thống đường cao tốc là rất lớn, phụ thuộc vào tốc độ phát triển của các ngành và địa phương, sự chuyển dịch kinh tế của các khu vực do vậy trong quá trình triển khai cần thiết xem xét các tuyến phát sinh nhu cầu, bố trí được nguồn lực có trong quy hoạch này để triển khai đầu tư vào thời điểm phù hợp.
Dự án quan trọng quốc gia được xác định theo các tiêu chí phân loại theo quy định của Luật Đầu tư công gồm: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Các dự án ưu tiên được xác định theo các nguyên tắc: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đã xác định các công trình động lực; khả năng bố trí nguồn lực cho ngành GTVT/tổng GDP; Khả năng huy động nguồn vốn; ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn; từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long.