3,5 ngàn dân khát khô bên công trình nước sạch bỏ hoang: Đổ lỗi tứ tung sau khi 'ném tiền qua cửa sổ'
Liên quan đến công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bị bỏ hoang dù chỉ mới xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015, PV đã có buổi làm việc với UBND huyện Minh Hóa và Chủ đầu tư công trình để làm rõ thêm sự việc.
Mới đây, PLVN có bài phản ánh công trình cấp nước sinh hoạt tại địa bàn xã Hồng Hóa được đầu tư với tổng mức kinh phí 6,545 tỷ đồng trong giai đoạn 1 và chỉ mới đưa vào sử dụng từ ngày 20/11/2015. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì công trình này lại bị bỏ hoang gây lãng phí, gây bức xúc khi người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, đào không đảm bảo.
Trả lời về sự việc, lãnh đạo UBND xã Hồng Hóa cho biết không thể vận hành do thiếu nước và không có hồ sơ công trình giai đoạn 1. Không đồng ý với những câu trả lời chưa rõ ràng đó, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa và chủ đầu tư để tìm hiểu rõ hơn về sự việc.
Hai Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa là ông Đinh Minh Hương và ông Đinh Văn Lĩnh đều trả lời về sự việc và những câu trả lời của hai vị này chủ yếu là “do UBND xã Hồng Hóa không báo cáo, do không có tổ vận hành”, còn cụ thể thời gian, tổng kinh phí công trình thì lãnh đạo huyện cũng… không nắm rõ.
“Hồ sơ khi làm xong, hầu hết là trong kia cầm hết. Hầu hết bàn giao là bàn giao một cái biên bản. Thời đó không biết sao không bàn giao, cái đó các anh hỏi chỗ công ty nước sạch. Còn hồi trước công trình có hư hỏng do bão số 10 thì huyện có cho tiền sửa chữa nhưng cũng không thấy nghe báo cáo gì. Giờ thì nước cạn rồi chứ hồi trước là bị hư hỏng”, ông Hương nói.
Ông Lĩnh thì cho rằng: “Chỗ đó bão số 10 năm 2017 có cây hư hỏng, hệ thống dây điện, hệ thống ống gì đó nói chung hỏng thì huyện có khắc phục hai hay ba chục triệu gì đó, cho khắc phục sửa chữa. Sau khi cấp tiền cho họ (UBND xã Hồng Hóa – PV) thì giục họ khắc phục sửa chữa để có nước cho dân, tôi đi làm việc ở dưới thì cứ đôn đốc mãi, họ cứ cam kết tuần này, tuần sau”.
Vẫn lời ông Lĩnh: “Một cái khó khăn của dưới xã đó là thành lập tổ vận hành, nhưng mà thống kê toàn xã chỉ có được 100 hộ đăng ký lắp đồng hồ sử dụng. Người dân sử dụng dưới nông thôn cũng rất tiết kiệm, mức thu tiền nước không đủ chi trả cho tổ vận hành 4 – 5 người thì họ (tổ vận hành – PV) bỏ, không chịu làm vì họ không được cái gì cả, tiền thù lao cho họ thì thấp.
Mãi mới thành lập được tổ vận hành mới thay cho tổ vận hành cũ, thì nước cạn mùa hè, khoảng tháng 3 tháng 4 gì đấy nước bơm không đủ. Lúc nãy tôi kiểm tra đồng chí Phó Chủ tịch xã thì thấy nước đó nhưng bơm lên khoảng 30 phút là nước không đủ”.
Về phía chủ đầu tư, ông Bùi Thái Nguyên (Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình), cho rằng, vị trí xây dựng công trình tại khu vực hố thu đang bị khô cạn đó không sai vì thực tế đó là hợp lưu của “hai con sông, hai cái khe”.
“Thời điểm khảo sát thì nước tốt và ở đó nguồn nước đó là nguồn nước duy nhất, vừa rồi có thể là do hạn cục bộ. Công trình sau khi xây dựng xong thì bàn giao cho địa phương vận hành, về tổ vận hành thì đơn vị cũng đã có cử người về hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trước khi bàn giao”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho biết thêm: “Công trình này đầu tư mục đích cấp nước cho cả xã Hồng Hóa, tuy nhiên do khi đầu tư xong thì nguồn vốn của chương trình mục Quốc gia hết nên không có tiền để đầu tư giai đoạn 2, mà chỉ đầu tư giai đoạn 1 ở các tuyến chính thôi.
Còn về phản ánh của người dân thì trách nhiệm đối với công trình mà mình (Trung tâm – PV) làm chủ đầu tư là xong rồi, nhưng mà trách nhiệm với người dân địa phương thì cũng chưa xong. Biết được thông tin như vậy thì bên lãnh đạo Trung tâm sẽ cho anh em xuống để kiểm tra lại, nếu như trong phạm vi hỏng hóc, sửa chữa mà nguồn vốn Trung tâm đáp ứng được thì sang năm sẽ hỗ trợ cho xã để khôi phục công trình”.