3.500 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19: 'Tôi nhìn thấy nghĩa đồng bào'
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: 'Qua hai đợt vận động, tôi nhìn thấy nghĩa đồng bào, tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc '.
Tính từ ngày 1/5 đến nay, MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã tiếp nhận hơn 3.500 tỷ vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, chỉ riêng tại Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có 79 đơn vị, tổ chức cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ tiền và hiện vật tiếp trị giá 650 tỷ đồng.
Phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong điều phối, sử dụng Quỹ của MTTQ Việt Nam.
Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 do MTTQ Việt Nam kêu gọi, quản lý và điều phối sử dụng nhằm quyên góp nguồn lực để mua vaccine, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ các đơn vị, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Quỹ vaccine COVID-19 do Chính phủ thành lập, Bộ Tài chính quản lý, với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Trẻ nhỏ đem lợn đất ủng hộ quỹ phòng, chống dịch
PV: Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có rất nhiều cuộc tiếp nhận ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Vậy cuộc tiếp nhận nào để lại cho bà ấn tượng lớn nhất?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có nhiều cá nhân, tập thể ủng hộ Quỹ COVID-19 thông qua MTTQ Việt Nam. Tấm lòng nào cũng đều đáng trân quý cả.
Trong đó có hai cháu nhỏ khiến cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng. Hai cháu mang lợn đất đến Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam để ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.
Cả hai cháu đều đang còn là học sinh tiểu học. Một cháu theo học ở huyện Quốc Oai, một cháu theo học ở quận Đống Đa.
“Đây là tiền con để dành từ tiền thưởng sau mỗi năm học cùng tiền mừng tuổi mà các cô, các bác cho dịp Tết.” – một cháu nhỏ nói khi đưa lợn đất cho chúng tôi.
Chính mắt tôi được nhìn thấy các cháu đập lợn. Những đồng tiền nhỏ được cuộn tròn, nằm gọn gàng trong lợn đất cho thấy sự tích cóp và quý trọng của các cháu. Với trẻ nhỏ, lợn đất không chỉ là tiền tiết kiệm mà còn là một kho báu. Nhưng khi cần, các cháu sẵn sàng mang kho báu của mình đi quyên tặng.
Hình ảnh các cháu đếm từng đồng trong lợn đất để mang đi ủng hộ khiến rất nhiều người lớn như chúng tôi bất ngờ và xúc động.
“Con muốn nhờ các bác chuyển số tiền này tới vùng dịch. Trước hết là để giúp đỡ các bạn nhỏ cùng tuổi chúng con, những bạn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch, những bạn phải xa bố mẹ đi cách ly”.
Đôi khi những hành động của trẻ nhỏ phải khiến người lớn như chúng ta phải suy nghĩ. Tôi hy vọng rằng câu chuyện về hai chú lợn đất này sẽ lan tỏa hình ảnh đẹp về “người nhỏ làm việc nhỏ”, về tinh thần đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam.
Khơi gợi trách nghiệm với vận mệnh đất nước trong mỗi người dân
PV: Với vị trí, vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, những năm qua MTTQ Việt Nam đã phát động hiệu quả nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ. Đợt vận động cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 lần này có ý nghĩa như thế nào và có gì khác biệt so với những lần vận động khác, thưa bà?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Qua hai đợt vận động, quyên góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Đợt 1: 1-17/3/2020; đợt 2: Từ 27/5/2021), MTTQ Việt Nam thấy rõ được tinh thần và trách nghiệm với đất nước của mỗi người dân Việt Nam. Khi đất nước gặp khó khăn, tinh thần ấy sẽ mạnh mẽ trỗi dậy.
Vào năm 2020, khi Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cả nước phải chống dịch như chống giặc, toàn dân trở thành một khối đại đoàn kết, bền bỉ chiến đấu ở cả tiền tuyến và hậu phương. MTTQ Việt Nam đã nhận được một nguồn lực rất lớn từ người dân để cùng với ngân sách Nhà nước thực hiện công tác chống dịch.
Có lẽ sức mạnh ấy là một trong nhiều yếu tố biến Việt Nam trở thành quốc gia chống dịch tốt thứ 2 thế giới.
Trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới, đất nước lại rơi vào thời điểm khó khăn. Mức độ lây lan chóng mặt và khó lường của chủng virus mới đặt ra yêu cầu, biện pháp xử lý mới. Đó là 5K + vaccine.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương tiêm vaccine cho toàn dân. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ cũng đã kêu gọi sự chung tay góp sức từ người dân. Trên tinh thần hưởng ứng chủ trương của Đảng và giải pháp của Chính phủ, MTTQ Việt Nam tổ chức đợt vận động thứ hai.
Sau lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, tính đến nay, MTTQ Việt Nam đã nhận được gần 3.500 tỷ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 từ người dân.
Trong bối cảnh như vậy, từng đồng được quyên góp cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 đều hết sức ý nghĩa.
Tất cả là vì một đất nước Việt Nam an toàn
PV: Dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị đã ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng qua MTTQ Việt Nam để góp phần phòng, chống COVID-19. Bà có cảm nhận như thế nào về điều này?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Bản thân tôi đã nghe rất nhiều lời tâm sự của doanh nghiệp: “Chúng em phải đóng cửa nhiều tháng nay rồi, người lao động thì không có việc làm,…nhưng vẫn phải gồng mình lên trả lương để giữ chân họ, đợi ngày sản xuất trở lại”. Trong suốt hơn một năm đằng đẵng vì dịch bệnh, khó khăn mà doanh nghiệp, người lao động gặp phải ngày càng chồng chất. Với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ như: Du lịch, khách sạn,…thiệt hại còn nặng nề hơn nữa. Nhưng khi MTTQ Việt Nam phát đi lời kêu họ nhất định phải trích một phần tiền để ủng hộ.
Tất cả là vì một đất nước an toàn, vì một đất nước không có dịch bệnh.
Đây vừa là hành động thể hiện trách nghiệm xã hội của doanh nghiệp với đất nước, vừa thể hiện trách nghiệm “tự cứu mình” trong điều kiện đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi chỉ khi dịch bệnh được dập tắt, doanh nghiệp mới có thể tái sản xuất, tái hoạt động, doanh nghiệp và nền kinh tế mới có thể phục hồi.
Nhưng trên hết, tôi nhìn thấy “nghĩa đồng bào”, tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc ta. Trong lúc khó khăn nhất của chính mình, họ vẫn tìm cách giúp đỡ những người khó khăn hơn, vẫn sẵn sàng chung tay, sát cánh cùng đất nước.
Tiền ủng hộ được ưu tiên sử dụng theo nguyện vọng của người đóng góp
PV: Công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời, hiệu quả trong điều phối, sử dụng Quỹ là điều mà các mạnh thường quân cũng như mỗi tập thể, cá nhân rất quan tâm. Xin bà cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã và đang có sự chỉ đạo cùng cơ chế giám sát như thế nào để nguồn lực này được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả cao?
Bà Trương Thị Ngọc Ánh: Tại Điều 2, Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện có quy định, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là phân bổ kinh phí vận động được một cách hợp lý, đúng mục đích trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, nhà tài trợ,…Như vậy, chúng tôi sẽ ưu tiên phân bổ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 theo đề nghị của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp. Theo đó, trong số gần 650 tỷ đồng tiền ủng hộ từ các tập thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp gửi đến MTTQ Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển tiếp 550 tỷ đồng vào Quỹ vaccine do Bộ Tài Chính quản lý.
Mức độ thiệt hại, tình hình dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị là tiêu chí điều phối thứ hai. Căn cứ vào các yếu tố này, chúng tôi sẽ phân bổ nguồn lực đến đúng địa phương, đối tượng có nhu cầu.
Hiện nay, Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nặng nề nhất. Do đó chúng tôi đã phân bổ nguồn lực tới hai địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch; cũng như hỗ trợ kinh phí, chăm lo cho các hộ gia đình khó khăn, mất việc làm, mất thu nhập do dịch COVID-19 nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân.
Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, mua vaccine là ưu tiên lớn nhất trong việc điều phối, sử dụng Quỹ phòng chống COVID-19 của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước, MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc động viên và bồi dưỡng cho lực lượng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Trong cuộc chiến chống dịch này, lực lượng vũ trang hay y bác sĩ là những người có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Có nhiều người xung phong vào tâm dịch, hàng tháng trời chưa về nhà, làm việc đến kiệt sức…Chính vì vậy, cộng đồng phải có trách nhiệm động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất để họ làm tốt nhiệm vụ mà đất nước giao phó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể dập tắt được dịch bệnh, đất nước mới có lại sự bình yên.
Để đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn quỹ, MTTQ Việt Nam công khai minh bạch tất cả các khoản tiếp nhận và phân bổ từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông. Ngay sau khi phân bổ kinh phí tới các đơn vị tiếp nhận, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có trách nghiệm phản hồi hai chiều, báo cáo đầy đủ các khoản chi, danh sách, địa chỉ người thụ hưởng,…với MTTQ Việt Nam.
Trên cơ sở đó, MTTQ thực hiện công tác giám sát thường xuyên, đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích.
PV: Xin cảm ơn bà./.