3 bệnh khớp vai thường gặp ở người cao tuổi
Bệnh lý khớp vai thường khó chẩn đoán vì khớp vai có cấu trúc giải phẫu và hệ thống các gân chóp xoay, dây chằng phức tạp để giữ khớp vai có biên độ vận động lớn. Đôi khi, bệnh lý khớp vai còn cần phân biệt với bệnh lý cột sống cổ.
Trước đây, chúng ta hay quan tâm đến các bệnh lý của khớp háng và khớp gối, tuy nhiên hiện nay các bệnh lý khớp vai đang ngày càng tăng do tuổi thọ và nhu cầu hoạt động cao. Dưới dây là một số bệnh lý khớp vai thường gặp nhất ở người trung niên – cao tuổi.
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là sự chèn ép cơ học bất thường của chóp xoay và túi hoạt dịch trong khoang dưới mỏm cùng vai. Quá trình này lặp đi lặp lại sẽ gây các tổn thương cho các cấu trúc, ban đầu là thiểu dưỡng rồi tiếp đến là viêm, thoái hóa, hoại tử và xơ hóa, có thể dẫn đến rách bán phần hoặc hoàn toàn gân cơ trên vai.
Hội chứng này thường gặp người cao tuổi do thoái hóa xương mỏm cùng vai. Người có các hoạt động dang tay cao trên đầu lặp đi lặp lại nhiều lần như: công nhân, giáo viên… Người chơi môn thể thao: bóng chuyền, kéo xà đơn...
Triệu chứng của hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là biểu hiện đau ở khớp vai khi dạng vai hay nâng tay quá đầu. Hầu hết bệnh nhân đau âm ỉ tăng dần, đau nhiều về đêm. Dần dần các cơn đau trở nên nặng hơn, không thể tự dang tay được thì có thể gân chóp xoay đã bị rách.
Về điều trị hẹp khoang dưới mỏm cùng vai với thể nhẹ thì có thể điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm tại chỗ, kèm theo hướng dẫn tập luyện và vật lý trị liệu. Nặng hơn hoặc khi có hình ảnh hẹp khoang mỏm cùng vai có tổn thương chóp xoay thì cần phẫu thuật nội soi "tạo hình xương mỏm cùng vai" để làm rộng khoang này, đồng thời khâu gân chóp xoay.
Rách chóp xoay
Các nguyên nhân dẫn đến đau khớp vai có thể là do chèn ép thần kinh vùng cột sống cổ hoặc các tổn thương trực tiếp của khớp vai như thoái hóa khớp vai, hội chứng chèn ép khoang dưới mỏm cùng, viêm-rách gân cơ chóp xoay... Trong đó rách gân cơ chóp xoay là nguyên nhân thường gặp, ở người già thường do thoái hóa, người trẻ thường do chấn thương.
Thoái hóa gân cơ chóp xoay, viêm gân cơ chóp xoay lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến rách chóp xoay. Tiêm corticoid không đúng cách hoặc lạm dụng tiêm corticoid cũng làm tăng nguy cơ rách chóp xoay.
Ban đầu người bệnh rách chóp xoay thường đau âm ỉ ở khớp vai, thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm, đặc biệt nặng hơn khi nằm nghiêng về bên vai tổn thương. Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh khó đưa tay ra sau lưng kèm theo yếu cánh tay, không thể đưa cánh tay lên cao.
Điều trị rách chóp xoay thường kết hợp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu trong giai đoạn ban đầu khi các triệu chứng nhẹ, khi điều trị nội khoa không cải thiện cần phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay.
Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch khớp là một trong những bệnh lý xương khớp rất phổ biến hiện nay, đặc biệt ở những đối tượng người có tuổi, vận động viên thể thao hay người lao động chân tay nhiều. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc phải bệnh viêm bao hoạt dịch khớp càng lớn bởi tuổi tác làm cho xương khớp bị lão hóa và mất đi độ chắc khỏe, dễ bị tổn thương.
Nguyên nhân thường do tình trạng thoái hóa dẫn tới viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai. Triệu chứng thường gặp là đau khớp vai, đau tăng về đêm và khi đưa tay lên cao hoặc ra sau lưng. Bệnh nhân thấy khó khăn khi thay áo hoặc chải tóc.
Điều trị thường uống thuốc chống viêm và giảm đau, kết hợp phục hồi chức năng. Đa phần bệnh nhân đáp ứng tốt khi được tiêm thuốc chống viêm vào "cấu trúc phần mềm" bị viêm.
Lời khuyên thầy thuốc
Tuổi già cũng gây ra giảm chất lượng của sụn khớp ở các khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị mòn dần đi, gây đau khớp, làm cho đi lại khó khăn. Các khớp dễ bị tổn thương nhất là khớp háng, gối và khớp vai... Ngoài ra, những người bị béo phì, thừa cân, khi còn trẻ bị chấn thương khớp, tật bẩm sinh, mắc các bệnh về chuyển hóa, di truyền cũng làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới các khớp xương.
Ở những người trên 50 tuổi, nếu thấy những triệu chứng đau mỏi thường xuyên kèm theo một số biểu hiện như thấy khớp bị co cứng vào mỗi sáng sớm khi thức dậy, hoặc những cơn đau khớp, nhất là khớp vai xuất hiện bất thình lình khi thời tiết thay đổi, thì nên nghĩ ngay đến việc bản thân có thể đang mắc phải bệnh đau khớp ở người cao tuổi.
Những căn bệnh về xương khớp luôn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Nếu người bệnh không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến gãy xương dễ dàng do một chấn thương nhẹ. Thậm chí, có một số bệnh nhân chỉ trượt té nhẹ ở tư thế ngồi đã dẫn đến gãy cổ xương đùi hoặc gãy lún đốt sống.
Vì vậy, người già nên có một chế độ ăn khoa học, nên ăn các loại thực phẩm giàu axít béo omega-3 (thường có trong các loại hạt). Các rau lá xanh, như rau bina, cải xoăn, cũng có thể giúp hạn chế tình trạng viêm và đau đớn. Người già cũng cần tập thể dục giúp bôi trơn các khớp xương để ngăn chặn cơn đau.
Khi bị đau nhức khớp, người bệnh nên tới các trung tâm y tế, bệnh viện để thăm khám. Tốt nhất là chuyên khoa khớp, để xác định nguyên nhân gây tổn thương khớp và có chỉ định điều trị sớm.