3 bệnh lý hô hấp dễ gặp trong mùa mưa và cách phòng

Cứ vào mùa mưa, thời tiết ẩm thấp thì số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang... lại có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, các nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

Bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh lý hô hấp phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 60 tuổi. Bệnh diễn tiến ở nhiều mức độ khác nhau và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Tùy thuộc vào thể bệnh cấp tính hay mạn tính mà bệnh nhân viêm phế quản có thể có triệu chứng hơi khác biệt.

Viêm phế quản cấp tính khá giống với viêm đường hô hấp trên như: Sốt, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau đầu, ngạt mũi, ho (cơn ho có thể xuất hiện nhiều về đêm, có thể ho có đờm),… Do tác nhân gây viêm phế quản chủ yếu là vi sinh vật nên triệu chứng đặc trưng xuất hiện khá sớm, ví dụ như đờm màu vàng hoặc xanh lục nếu tác nhân là vi khuẩn. Viêm phế quản do virus ít gặp hơn song thường gây triệu chứng toàn thân khá rõ ràng, dịch hô hấp thường trong và loãng.

Triệu chứng viêm phế quản cấp tính thường không kéo dài và ít khi tiến triển nặng, sau khoảng vài ngày đến 1 tuần sẽ tự thuyên giảm. Riêng triệu chứng ho thường kéo dài lâu hơn sau khi triệu chứng khác đã biến mất.

Viêm phế quản mạn tính có biểu hiện ho thường kéo dài dai dẳng hơn so với cấp tính, kéo dài ít nhất 3 tháng. Tình trạng ho thường trầm trọng dần theo từng đợt khởi phát. Nếu liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, triệu chứng đi kèm có thể có như: Cơ thể mệt mỏi, thở nông, hay bị hụt hơi, thở khò khè, tức ngực khó chịu,…

Triệu chứng điển hình của viêm phổi cũng là ho nhưng thường nghiêm trọng và kèm theo đau sâu trong phổi,

Triệu chứng điển hình của viêm phổi cũng là ho nhưng thường nghiêm trọng và kèm theo đau sâu trong phổi,

Viêm phổi

Viêm phổi là loại bệnh mắc phải do phổi bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm các bộ phận của phổi. Đặc biệt ở môi trường khí hậu nhiệt đới làm tăng khả năng nhiễm bệnh do điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.

Triệu chứng điển hình của viêm phổi cũng là ho nhưng thường nghiêm trọng và kèm theo đau sâu trong phổi, ho có thể theo đờm màu xanh hoặc màu vàng. Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng khác như: Đổ mồ hôi nhiều bất thường. Thường xuyên buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa. Hơi thở nông. Sốt cao, thậm chí có thể sốt đến 40 độ C gây co giật. Đau ngực nghiêm trọng, nhất là khi ho hoặc hít thở sâu. Thường xuyên ớn lạnh, run người. Tinh thần không tỉnh táo, thường xuyên lơ mơ. Thiếu hụt oxy từ ít đến nhiều, gây da xanh xao, môi tái nhợt.

Viêm phổi càng nặng thì triệu chứng càng nhiều và rõ ràng, triệu chứng phân biệt rõ nhất với viêm phế quản là tình trạng ớn lạnh và sốt cao bất thường. Do vậy, viêm phổi là bệnh nguy hiểm, phải nhập viện theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt những bệnh nhân viêm phổi nặng, không thể thở hoặc khó khăn khi thở phải dùng máy thở hoặc liệu pháp oxy để duy trì sự sống.

Viêm xoang

Thời tiết mưa ẩm hay thay đổi đột ngột khiến niêm mạc đường hô hấp phù nề làm cho các lỗ thông xoang bị tắc nghẽn, dẫn đến áp suất âm bên trong lòng các xoang. Từ đó, làm ứ đọng dịch, chất nhầy mủ bên trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc, các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công. Do đó, viêm xoang chính là hiện tượng lớp niêm mạc biểu mô đường hô hấp nằm bên trong bề mặt của xoang bị viêm, sưng tấy làm tắc nghẽn lưu thông trong xoang, ứ đọng chất dịch nhầy, mủ.

Các triệu chứng của viêm xoang là đau vùng mặt tương ứng với các vùng xoang, cảm giác căng hoặc nặng mặt, nghẹt tắc mũi; chảy dịch, mủ ở mũi trước hoặc mũi sau, giảm hoặc mất ngửi, có mủ trong hốc mũi (qua thăm khám), sốt (chỉ trong viêm xoang cấp) hoặc đôi khi có những triệu chứng đau đầu, thở hôi, mệt mỏi, đau răng, ho, cảm giác nặng hoặc đau nhức trong tai. Khi có những dấu hiệu trên tốt nhất là nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng phát hiện sớm bệnh viêm xoang để điều trị kịp thời.

Hình ảnh của hệ hô hấp.

Hình ảnh của hệ hô hấp.

Lời khuyên thầy thuốc

Mùa mưa thuận lợi cho sự phát triển của các bệnh lý viêm đường hô hấp. Việc nhận biết sớm triệu chứng và phòng ngừa hiệu quả là rất quan trọng. Để phòng ngừa viêm đường hô hấp hiệu quả cần rửa tay thường xuyên. Đây là biện pháp phòng ngừa hàng đầu, giúp loại bỏ vi khuẩn và virus lây lan qua tiếp xúc.

Cần dùng khẩu trang khi ra ngoài hoặc ở nơi đông người, đeo khẩu trang giúp ngăn chặn virus lây qua đường giọt bắn.

Duy trì môi trường sống thoáng mát giữ cho nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, tránh ẩm ướt để vi khuẩn không có điều kiện phát triển.

Ngoài ra, cần ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường các thực phẩm lành mạnh, bổ sung vitamin, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc…. nâng cao sức để kháng sẽ phòng được bệnh lây truyền hiệu quả.

Tiêm phòng theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các loại vaccine phòng cúm và viêm phổi có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Tóm lại: Bệnh lý viêm đường hô hấp có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, sau đó nếu không được điều trị đúng cách có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm. Do đó nếu có các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng, khản tiếng, mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ hay sốt kéo dài, trên 38.5°C,... cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

BS. Trần Quang Đại

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-benh-ly-ho-hap-de-gap-trong-mua-mua-va-cach-phong-169240914174545968.htm