3 bí quyết tăng chiều cao tối ưu cho trẻ cha mẹ cần biết
Mong mỏi trẻ có được chiều cao lý tưởng, nhiều cha mẹ đã tự ý cho trẻ uống thuốc, vitamin, sữa tăng chiều cao…theo quảng cáo trên mạng mà không biết việc làm này như 'con dao hai lưỡi', cần sự kiểm soát rất chặt chẽ từ các nhà chuyên môn. Để trẻ có chiều cao tối ưu, cha mẹ cần biết 3 bí quyết sau.
Yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, bao gồm:
Gen di truyền: Gen di truyền là một trong những yếu tố quyết định đến chiều cao của một người. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ ảnh hưởng khoảng 23%. Bố mẹ hoàn toàn có thể cải thiện chiều cao của trẻ bằng những yếu tố khác.
Dinh dưỡng: Đây là yếu tố ảnh hưởng đến 32% chiều cao của trẻ trong tương lai. Chính vì thế trong giai đoạn vàng dậy thì, bố mẹ nên bổ sung những thực phẩm tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ như thịt, cá, trứng, sữa…
Giấc ngủ: Ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả tâm và sinh lý. Do đó, bố mẹ dễ dàng nhận thấy những trẻ có giấc ngủ tốt sẽ cao ráo, khỏe mạnh và vui vẻ hơn những trẻ có giấc ngủ kém.
Vận động: Vận động thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe của xương và các mô cơ. Vì thế, các chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên cho trẻ tích cực vận động, tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe và chiều cao.
Giới tính: Cùng một độ tuổi, nam giới thường có xu hướng cao hơn so với nữ giới. Nguyên nhân được các nhà khoa học cho rằng giai đoạn dậy thì của nam giới kéo dài lâu hơn so với nữ giới.
Các cột mốc phát triển chiều cao ở trẻ
Giai đoạn trong bào thai là tiền đề cho sự phát triển chiều cao của trẻ sau khi chào đời và ở tương lai. Khi thai được 4 tháng sẽ bắt đầu hình thành hệ xương và phát triển nhanh chóng.
Giai đoạn trẻ vừa chào đời đến 3 tuổi là khoảng thời gian tăng trưởng nhanh nhất. Mỗi năm tùy vào chế độ chăm sóc, trẻ có thể cao thêm 25cm.
Giai đoạn từ 3 - 13 tuổi là thời điểm chiều cao tăng trưởng ở mức ổn định. Chiều cao trung bình của trẻ tăng thêm mỗi năm là từ 5 - 6cm.
Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, đây chính là một trong những thời điểm vàng phát triển chiều cao của trẻ. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể tăng từ 8 - 12 cm mỗi năm.
Giai đoạn cuối cùng trong thời kỳ phát triển chiều cao của trẻ là sau dậy thì. Khi trẻ đến giai đoạn này thì chiều cao tăng rất chậm, không đáng kể.
Cách tăng chiều cao cho trẻ
Vì yếu tố di truyền không thể thay đổi nên bố mẹ cần tập trung vào các yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao khác, bao gồm: Chế độ dinh dưỡng, vận động và lối sống.
1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng 32% sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Do đó, trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú, người mẹ phải được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là chất đạm, sắt, i-ốt, canxi, phospho, axit folic, vitamin D, axit béo không no… Trẻ sau khi sinh cần được duy trì bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Trẻ cần được xây dựng chế độ ăn khoa học theo từng độ tuổi với khẩu phần ăn phù hợp để trẻ được phát triển và tăng chiều cao tốt nhất. Nếu trẻ thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, hoặc thừa năng lượng gây thừa cân, béo phì.
Bữa ăn của trẻ cần được cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm chất bột đường (cơm, bánh mì, khoai, ngô…), chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu phụ…), chất béo (dầu mỡ, sữa và các chế phẩm từ sữa…) cùng các loại vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, mẹ cũng cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi (thường có trong tôm cua, đậu phụ, các loại rau màu xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa…) vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ.
2. Chú ý đến giấc ngủ của trẻ
Ngoài chế độ dinh dưỡng và vận động, những thói quen hàng ngày cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình tăng chiều cao cho trẻ, đặc biệt là giấc ngủ.
Hệ xương của trẻ phát triển mạnh vào lúc ngủ, đặc biệt là trong khung giờ 22h – 4h sáng hàng ngày, đạt đỉnh cao nhất lúc 0h. Đây là lúc hormone tăng trưởng (GH) được tiết ra nhiều nhất, giúp xương tăng khả năng hấp thụ canxi. Vì thế, bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, trước 21h với trẻ chưa đi học và trước 22h với trẻ đã đi học.
Để con được ngủ ngon và sâu giấc, phụ huynh cũng nên chú ý đến không gian phòng ngủ, đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ; gối chăn mềm mại, dễ chịu; quần áo của trẻ cần mặc rộng rãi, thoải mái…
3. Vận động thường xuyên
Nên duy trì các bài tập nhảy cao, nhảy xa, đánh xà, bơi... nhằm vươn dài người, kéo căng cơ, kích thích cột sống và các xương phát triển.
Sự vận động cơ bắp sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng canxi vào mô xương, giúp xương vững chắc hơn và phát triển tốt hơn.
Thời gian tập luyện với cường độ cao kéo dài 1,5 - 2 giờ/ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần.
Tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày còn giúp tăng GH vào ban đêm. Việc tập luyện cần được duy trì điều độ và tăng cường độ dần đều theo thời gian, nếu chỉ tập luyện nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn hay tập luyện nặng quá lâu thì không thúc đẩy phát triển chiều cao. Vì lợi ích như vậy, cha mẹ cần hướng dẫn và tạo cho con thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài thể dục vừa sức, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Tóm lại: Tăng chiều cao cho con là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Không ít các bà mẹ không nắm được chiều cao của con mình hiện tại so với quy định chuẩn chung, mà chỉ đua theo những thông tin nghe nói nên cho con uống các loại thực phẩm hỗ trợ phát triển chiều cao… việc lạm dụng, tự ý áp dụng các phương pháp này có thể gây hại cho trẻ. Nếu các bậc phụ huynh lo lắng về chiều cao, cân nặng của trẻ thì cần đưa con tới khám chuyên khoa dinh dưỡng tại các cơ sở y tế để được bác sĩ, chuyên gia đánh giá mức độ phát triển của trẻ có bình thường hay không và cần phải bổ sung gì cho trẻ.
Không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của con trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ của trẻ; khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để có thể đạt được chiều cao như mơ ước.