3 biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn
Một nghiên cứu được công bố ngày 4/3 trên tạp chí Nature Medicine chỉ ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh hơn và có khả năng 'qua mặt' các kháng thể vốn có thể vô hiệu hóa bản gốc của virus này.
Để đánh giá xem các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (gồm biến thể phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil) có thể vượt qua kháng thể chống bản gốc hay không, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Washington (St. Louis, Mỹ) đã kiểm tra hiệu quả của kháng thể sản sinh trong cơ thể người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 bản gốc đối với 3 biến thể mới của virus trong phòng thí nghiệm.
Các biến thể này được cho tương tác với kháng thể của người mắc COVID-19 đã hồi phục hoặc từng được tiêm vaccine của hãng Pfizer.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra hiệu quả của kháng thể tìm được trong máu của chuột và khỉ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm do Đại học Y Washington phát triển.
Kết quả cho thấy kháng thể với virus bản gốc cũng có thể vô hiệu hóa biến thể phát hiện ở Anh, với mức hiệu quả là ngang nhau.
Tuy nhiên, với 2 biến thể còn lại, lượng kháng thể cần thiết để vô hiệu hóa những biến thể này phải cao gấp từ 3,5-10 lần so với mức cần thiết để chống lại bản gốc.
Sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra tiếp các kháng thể đơn dòng (các kháng thể giống hệt nhau do cùng một tương bào sản xuất) vốn cho hiệu quả rất cao trong vô hiệu hóa virus bản gốc. Tuy nhiên, khi đưa các kháng thể này vào tương tác với các biến thể mới, kết quả thu được lại dao động từ “hiệu quả rộng rãi” đến “hoàn toàn không hiệu quả”.
Theo tác giả nghiên cứu Michael S. Diamond, hiện chưa rõ chính xác hậu quả mà các biến thể mới của virus có thể gây ra nhưng kết quả nghiên cứu kể trên chỉ ra cần liên tục sàng lọc các kháng thể để bảo đảm chúng vẫn có hiệu quả với các biến thể virus mới xuất hiện và lây lan, từ đó điều chỉnh các chiến lược tiêm chủng và điều trị COVID-19 bằng kháng thể trong tương lai.
Trong một diễn biến liên quan khác, trước đó, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Brazil và được phát hiện ở ít nhất 20 quốc gia trên thế giới, có tốc độ lây lan nhanh, có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh.
Trong một nghiên cứu về sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 và sự lây lan của chủng virus này ở thành phố Manaos thuộc vùng rừng nhiệt đới Amazon, các nhà khoa học xác định được rằng biến thể này, hay còn được biết đến dưới tên P.1, có một “chòm sao đột biến độc đáo” và rất nhanh đã trở thành một biến thể nổi trội lây lan ở vùng này.
Chuyên gia về virus học Nuno Faria, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trong 100 người tại Manaos mắc COVID-19 đã khỏi bệnh trước đó thì có khoảng từ 25 đến 61 người dễ bị tái nhiễm với P.1.
Các nhà khoa học cũng tính toán rằng virus P.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 1,4 đến 2,2 lần so với loại virus SARS-CoV-2 xuất hiện ban đầu.
5 nước nhất trí phê duyệt nhanh vaccine ngừa các biến thể mới của virus
Trong khi đó, các nước gồm Anh, Australia, Canada, Singapore và Thụy Sĩ đã cùng nhất trí ưu tiên đưa các loại vaccine COVID-19 hiệu quả đến công chúng trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh để thích ứng phòng ngừa những biến thể mới của virus gây bệnh sẽ được phê duyệt nhanh tại các quốc gia trên, theo một thỏa thuận được các cơ quan quản lý dược phẩm của các nước này công bố ngày 4/3.
Thỏa thuận trên sẽ tránh việc phải trải qua những nghiên cứu lâm sàng kéo dài khi các loại vaccine đã được phê duyệt hiện hành được điều chỉnh để thích ứng phòng ngừa các biến thể mới của virus, miễn là các hãng sản xuất đưa ra được bằng chứng tin cậy về độ an toàn và hiệu quả của vắcxin.
Tham gia thỏa thuận trên có Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) cùng các cơ quan tương tự của Australia, Canada, Singapore và Thụy Sĩ, được gọi là Liên minh ACCESS.
Anh bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại rằng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể kháng các loại vaccine hiện hành.
Điều này sẽ gây trở ngại đối với kế hoạch của Anh cũng như các nước khác bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa trong những tuần tới vì kế hoạch này phụ thuộc vào việc vaccine có tạo đủ miễn dịch cộng đồng và giảm số ca nhiễm mới cũng như số ca tử vong hay không.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Đại học Hoàng gia London, tỷ lệ lây nhiễm tại vùng England ở Anh hiện là 0,86, dưới mức 1. Điều này cho thấy virus không còn lây lan theo cấp số nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang chậm lại khiến Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hối thúc người dân nên thận trọng trong bối cảnh vùng England chuẩn bị mở cửa trở lại các trường học từ đầu tuần tới - giai đoạn đầu tiên của quá trình kết thúc lệnh phong tỏa.