3 cán bộ giúp nữ trưởng phòng 'mượn bằng chị' thăng tiến chỉ bị kiểm điểm
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với nhiều cá nhân, tổ chức liên quan đến việc sử dụng bằng cấp giả.
Chiều 27/11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, kỳ thứ 72 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật các cá nhân, tổ chức liên quan đến sử dụng bằng cấp giả của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ông Trần Quang Tân, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm). Khuyết điểm của ông Trần Quang Tân đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng.
Tuy nhiên, quá trình kết nạp Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa liên quan đến trách nhiệm nhiều tổ chức, cá nhân. Xét cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không thi hành kỷ luật đối với ông Trần Quang Tân và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Ông Lê Tiến Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk có khuyết điểm, sai phạm trong việc cùng tập thể Đảng ủy Công ty nhiệm kỳ 2003 - 2005 xem xét, kết nạp bà Lê Thanh Sơn vào Đảng không đúng quy định. Ông Hùng đã ký xác nhận lý lịch xin vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm) không trùng khớp với lý lịch đảng viên của ông Lê Thanh Sơn (chồng bà Sa).
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, khuyết điểm của ông Lê Tiến Hùng đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, xét cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không thi hành kỷ luật đối với ông Lê Tiến Hùng và yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với trường hợp bà Phạm Thị Lan, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy, qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, trong tham mưu giúp Chánh Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa giữ chức Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Quản trị và bổ nhiệm bà Bùi Thị Thân giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân chưa đúng quy trình, quy định.
Bà Lan có phần trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết của Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy về việc đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xem xét, kết nạp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa vào Đảng không đúng quy định.
Khuyết điểm của bà Phạm Thị Lan đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, quá trình kết nạp đảng viên đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa liên quan đến trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân khác, xét cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không thi hành kỷ luật đối với bà Phạm Thị Lan, yêu cầu bà Lan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đối với trường hợp ông Nguyễn Hồng Mạnh, Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Mạnh chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý, bảo vệ rừng; thiếu kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và của cá nhân.
Căn cứ quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét các yếu tố khách quan, chủ quan, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Hồng Mạnh bằng hình thức Khiển trách.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã xem xét các báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với 2 tổ chức và các cá nhân có liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm) như đã nêu tại Kỳ họp lần thứ 71 để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, kết luận theo thẩm quyền.