3 công khai ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nhiều dấu hỏi, HT nói có 'sơ suất'
Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, do cách diễn đạt câu từ trong văn bản báo cáo công khai đang gây hiểu nhầm cho bạn đọc và phụ huynh.
Liên quan đến các nội dung trong báo cáo ba công khai và đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh qua các bài viết:
1. ĐH TN&MT Hà Nội: Ngành gắn sứ mạng của trường giảm, có năm chỉ 42 SV tốt nghiệp
2. Ngành gắn với sứ mạng tuyển 'èo uột', ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nói gì?
3. ĐH Tài nguyên và Môi trường HN: Nhiều năm nguồn thu từ NCKH đều bằng “0”
4. 3 công khai của ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nhiều dấu hỏi, Bộ GD cần làm rõ
Về việc này, lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có những ý kiến phản hồi sau khi các bài viết được đăng tải.
Bộ phận phụ trách báo cáo đã thiếu tinh tế khi xử lý số liệu
Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, nội dung trong các báo cáo công khai được nhà trường công bố có sơ suất của bộ phận kiểm duyệt thông tin nên có thể cách diễn đạt trong văn bản đang gây hiểu nhầm cho bạn đọc và phụ huynh.
Vị này khẳng định nhà trường luôn minh bạch, không giấu giếm bất cứ thông tin, số liệu nào vì đó là thực tế hoạt động của nhà trường, cũng như thẳng thắn khi trao đổi, làm việc với báo chí, không né tránh.
Cụ thể, về nội dung liên quan đến số liệu trong báo cáo đang để các mức bằng “0” vị này cho rằng, bộ phận phụ trách báo cáo đã thiếu tinh tế khi xử lý số liệu.
Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy nhấn mạnh: “Ví dụ như khối ngành Quản trị kinh doanh hiện đang để các mức bằng “0” là mục có sẵn trong mẫu báo cáo có các tên ngành như vậy chứ những ngành đó nhà trường chưa được mở mã ngành nên chưa được phép tuyển sinh.
Đáng lẽ, khi thể hiện trong báo cáo phải ghi là “chưa tuyển” hoặc bỏ những tên ngành đó ra khỏi danh sách báo cáo. Việc để số liệu của các ngành đó là “0” chúng tôi thừa nhận nếu không phải người làm trong ngành cũng rất dễ hiểu nhầm về cách báo cáo như vậy”.
Đối với những ngành có “0” sinh viên trúng tuyển nhập học trong một số năm, vị Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thừa nhận, những năm trước đó những ngành đó rất khó tuyển đủ sinh viên nên buộc phải đóng ngành đó lại để tập trung phát triển các ngành khác.
“Trong văn bản báo cáo đáng lý những ngành đó phải ghi chú là năm đó đã dừng tuyển sinh chứ để mức bằng “0” lại một lần nữa khiến phụ huynh hiểu nhầm.
Có thể nhiều người sau khi đọc bài báo lại nghĩ là do năng lực nhà trường có vấn đề nên không tuyển được sinh viên, hoặc sinh sinh viên có ấn tượng không tốt nên mới không đăng ký vào các ngành đó của trường nhưng thực tế lại không phải là như vậy”, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải.
Cũng theo Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy, việc không tuyển được thí sinh ở các ngành truyền thống đó là tình trạng của trước đây còn hiện tại các ngành này của nhà trường đang thu hút được nhiều sinh viên theo học.
Nói thêm về việc này, lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay: “Trong hai ba năm trở lại đây những ngành từng khó tuyển trước đây giờ lại đang là những ngành thu hút sinh viên của trường, hầu như năm nào số lượng thí sinh đăng ký cũng cao hơn hẳn chỉ tiêu.
Có được điều đó là nhà trường đã nhận thức đúng đắn để phát huy được thế mạnh của những ngành có lợi thế và nhất là được sự ủng hộ rất lớn của Bộ chủ quản.
Ví dụ như ngành Khí tượng thủy văn, do là đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nên chúng tôi có hẳn Tổng cục Khí tượng thủy văn để các sinh viên có thể học tập và trải nghiệm thực tế.
Chưa kể hệ thống máy móc để sinh viên học tập và thực hành, thí nghiệm tại trường cũng được chúng tôi đầu tư hiện đại và đầy đủ.
Ngoài ra, về công tác truyền thông chúng tôi cũng thường xuyên lồng ghép trong các lần cán bộ đi họp, công tác ở các hội nghị sẽ nhấn mạnh việc ưu thế và điều kiện của nhà trường như vậy để có thể thu hút sự quan tâm của phụ huynh.
Một chính sách đặc biệt nhất đối với các ngành từng là ngành khó tuyển trước đây của trường thì hiện nay chúng tôi đang có chỗ ở miễn phí trong ký túc xá đối với các sinh viên theo học ngành này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung để xin học bổng từ các đơn vị liên kết, hướng tới việc sẽ miễn phí hoàn toàn học phí đối với các sinh viên đăng ký học các ngành truyền thống của nhà trường”.
Về việc các ngành tuyển vượt chỉ tiêu, lãnh đạo nhà trường cho biết thời điểm đó vào năm dịch bệnh Covid – 19 xảy ra nên nhà trường không thể dự đoán được tỷ lệ đầu vào như thế nào vì mức độ thí sinh ảo rất nhiều.
“Lúc đó chúng tôi lấy lượng thí sinh đầu vào cao như vậy là để đề phòng tình trạng hồ sơ “ảo” vì ảnh hưởng của điều kiện dịch bệnh. Thời điểm đó Tạp chí đã có bài viết phản ánh và nhà trường cũng đã có điều chỉnh.
Chúng tôi khẳng định, hiện tại về việc công nhận trúng tuyển nhà trường đang thực hiện rất nghiêm túc và không để xảy ra tình trạng tương tự như thế. Thậm chí trong 2 năm trở lại đây những ngành chúng tôi từng tuyển vượt trước đó, giờ đây do làm đúng quy trình nên đến cuối cùng số lượng sinh viên chúng tôi có được lại là thiếu so với chỉ tiêu công bố”, Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy cho hay.
Về nội dung liên quan đến báo cáo công khai về các dự án nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường công nhận phản ánh của Tạp chí là đúng. Tuy nhiên, một lần nữa cách diễn đạt trong văn bản lại khiến cho người đọc dễ hiểu nhầm.
“Chẳng hạn như trong văn bản có ghi là “Bộ dừng, không cấp kinh phí” cụm từ này rất nhạy cảm. Bởi lẽ những dự án đó chúng tôi thực hiện khá lâu, thường là xuyên suốt qua các năm học.
Vì vậy, có những đề tài đến thời điểm báo cáo nó đã hết tính thời sự hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy những dự án đó thực hiện đến mức độ như vậy là đã đạt yêu cầu thì không cần chờ hết thời gian dự kiến dự án đó đã được phép dừng lại. Việc dừng này chúng tôi đều có hết các quyết định của Bộ để thực hiện.
Như vậy, vì đã đạt yêu cầu và không cần phải triển khai tiếp nên Bộ không tiếp tục cấp kinh phí. Tuy nhiên, nếu diễn đạt trong văn bản rằng “Bộ dừng, không cấp kinh phí” như vậy rất dễ làm cho dư luận đánh giá rằng nhà trường không đủ năng lực hoặc vì một lý do nào đó khiến đề tài ấy bị Bộ dừng lại.
Đúng ra phải viết rằng “dự án được dừng trước thời hạn” hoặc cụm từ nào đó gần với ý nghĩa đó thì sẽ không có sự việc như báo chí phản ánh”, Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy cho hay.
Ngoài ra, nội dung trong báo cáo tài chính cho biết báo cáo số liệu thống kê về nguồn thu từ các dự án nghiên cứu khoa học bằng “0”, vị này cho rằng việc nguồn thu bằng “0” là đúng và hiện đang là “bức tranh chung” của rất nhiều trường.
Theo đó, Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy cho biết: “Nhà trường cũng rất mong muốn các đề tài mình thực hiện xong phải bán được. Vì thế, trong thời gian sắp tới chúng tôi cũng đang phấn đấu và hướng đến việc làm ra được các sản phẩm khoa học công nghệ có thể thu được lợi nhuận về.
Các dự án từ trước đến nay chúng tôi đang thực hiện chủ yếu với mục đích phục vụ quản lý nhà nước của Bộ và nhu cầu học tập và giảng dạy là chính nên không có nguồn thu về. Từ năm sau khi chúng tôi bước vào tự chủ thì việc tìm các dự án nghiên cứu khoa học và mang lợi nhuận về là điều chắc chắn phải làm”.
Qua đó, lãnh đạo Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh rằng, có thể nhà trường sẽ phải tìm đến các đề tài từ bên ngoài và có sự liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện những dự án có lợi nhuận.
Nhà trường chủ động rút lại các thông tin để điều chỉnh cho đúng
Về nội dung trong các mục báo cáo ba công khai từ năm 2019 đến nay sau khi có bài viết được đăng tải đã chuyển sang trạng thái “không tìm thấy tin tức”, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đó là nhà trường chủ động rút lại các thông tin để điều chỉnh cho đúng để không để tiếp tục xảy ra những thông tin gây hiểu nhầm.
Về vấn đề này lãnh đạo nhà trường cho biết đang trong quá trình rà soát lại, sau khi xong xuôi nhà trường sẽ đẩy lại toàn bộ các nội dung đó lên trang thông tin điện tử của nhà trường.
“Việc này là lỗi của bộ phận kỹ thuật khi xử lý tình huống chưa khéo léo. Đúng ra phải để là “nhà trường tạm ẩn để rà soát thông tin” chứ không nên để là “không tìm thấy tìm thấy tin tức” như vậy sẽ rất phản cảm.