3 công khai HV Tài chính thiếu do lỗi cập nhật, sai sót trong tập hợp dữ liệu
Học viện Tài chính lý giải, một số thông tin khập khiễng trong báo cáo 3 công khai do sai sót trong tập hợp dữ liệu và lỗi cập nhật.
Học viện Tài chính được thành lập theo Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung ương và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính.
Sứ mệnh: Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội.
Theo phần giới thiệu trên website, Học viện Tài chính có chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ đại học, sau đại học về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 4 loại hình đào tạo (đại học chính quy, đại học vừa làm vừa học, đại học bằng 2, liên thông đại học); Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính - kế toán.
Hiện tại, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Cơ là Giám đốc Học viện Tài chính. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Thông tin 3 công khai còn thiếu do lỗi cập nhật
Qua tìm hiểu thông tin trên website, phóng viên không tra cứu được báo cáo ba công khai năm học 2019-2020 và năm học 2022-2023 theo yêu cầu của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.
Báo cáo công khai năm học 2018-2019 được cập nhật vào ngày 28/11/2019 (theo hiển thị trên website Học viện Tài chính).
Còn báo cáo công khai của năm học 2020-2021 được hiện thị đăng tải vào 10 giờ 26 phút ngày 09/02/2023. Đặc biệt, báo cáo công khai của năm học 2021-2022 cũng được hiển thị cập nhật vào 10 giờ 12 phút ngày 10/02/2023.
Về vấn đề này, thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh (Học viện Tài chính) lý giải: “Nhìn chung, có thể khẳng định, Học viện Tài chính luôn bám sát và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công bố công khai thông tin hoạt động, tuyển sinh.
Báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020 và 2022-2023 hiện nay chưa hiển thị trên website do lỗi file cập nhật lên và lỗi kỹ thuật hiển thị website, Học viện sẽ rà soát những file tổng hợp này để cập nhật, ngoài ra sẽ cập nhật thêm các thông tin còn thiếu để báo cáo hoàn chỉnh hơn nữa”.
Sai sót trong tập hợp dữ liệu giảng viên
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2018-2019, Học viện Tài chính có tổng số 477 giảng viên cơ hữu. Trong đó, có 2 giáo sư, 54 phó giáo sư, 132 tiến sĩ, 276 thạc sĩ và 13 giảng viên trình độ đại học.
Đến năm học 2021-2022, tổng số giảng viên cơ hữu của Học viện Tài chính là 432 (đây cũng số lượng của năm học 2020-2021). Trong đó, có 2 giáo sư, 51 phó giáo sư, 148 tiến sĩ, 223 thạc sĩ và 8 giảng viên trình độ đại học.
Như vậy, qua 3 năm học, giảm 45 giảng viên cơ hữu (giảm hơn 9,4%). Trong đó, giảm 3 phó giáo sư (giảm gần 5,6%); giảm 53 giảng viên trình độ thạc sĩ (giảm hơn 19,2%).
Còn nhìn vào số liệu được công khai năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, có sự giống nhau hoàn toàn ở tổng số giảng viên cơ hữu và cơ cấu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, trình độ đại học.
Lý giải về sự biến động giảng viên này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thạch cho hay: “Nguyên nhân số giảng viên cơ hữu của Học viện Tài chính giảm thời gian qua (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022) chủ yếu do: Trong giai đoạn này, số lượng giảng viên cơ hữu của Học viện đến độ tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc nhiều hơn số lượng giảng viên tuyển dụng, tiếp nhận.
Số lượng phó giáo sư, thạc sĩ giảm một phần cũng do nguyên nhân ở trên.
Ngoài ra, số lượng giảng viên trình độ thạc sĩ giảm còn do giảng viên có trình độ thạc sĩ đã bảo vệ thành công và được cấp bằng tiến sĩ”.
Mặt khác, theo báo cáo công khai năm học 2021-2022, giảng viên cơ hữu theo ngành là 213 mà riêng khối ngành III lại có tổng 220 giảng viên. Điều đó cho thấy, số liệu thống kê cơ cấu giảng viên cơ hữu còn khập khiễng.
Theo Trưởng ban Quản lý đào tạo, danh sách giảng viên cơ hữu của Học viện theo khối ngành công bố công khai năm học 2021-2022 có sự sai sót trong tập hợp dữ liệu. Học viện đã tiến hành chuẩn hóa và cập nhật lại trên cổng thông tin điện tử, theo đúng dữ liệu công bố tại Đề án tuyển sinh năm 2023.
Số liệu chính xác về cơ cấu giảng viên cơ hữu năm học 2021-2022 được cập nhật như sau:
Như vậy, theo số liệu này, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, tổng số giảng viên cơ hữu của Học viện Tài chính giảm 54 người (11,3%). Trong đó, giáo sư không đổi; giảm 6 phó giáo sư (11,1%); tăng 33 tiến sĩ (25%).
Vì sao có năm không có thông tin về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ?
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2018-2019, tổng nguồn thu hợp pháp năm của Học viện Tài chính là 309 tỷ đồng, bao gồm nguồn ngân sách (57 tỷ đồng); học phí (160 tỷ đồng, chiếm gần 51,78%); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (3 tỷ đồng, chiếm hơn 0,97%); nguồn thu hợp pháp khác là 89 tỷ đồng.
Do không có báo cáo công khai tài chính năm học 2019-2020, nên không thấy được số liệu tổng nguồn thu hợp pháp năm.
Tại năm học 2020-2021, tổng nguồn thu hợp pháp năm của Học viện Tài chính là 391,29 tỷ đồng, bao gồm nguồn ngân sách (40,88 tỷ đồng); học phí (250,53 tỷ đồng); và nguồn hợp pháp khác (99,88 tỷ đồng). Năm này không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Như vậy, thu học phí, lệ phí năm này chiếm hơn 64% tổng nguồn thu.
Đến năm học 2021-2022, tổng nguồn thu hợp pháp năm là 520 tỷ đồng, bao gồm các nguồn ngân sách (36 tỷ đồng); học phí (364 tỷ đồng); nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (7 tỷ đồng); nguồn hợp pháp khác (113 tỷ đồng). Như vậy, thu học phí chiếm 70% tổng nguồn thu; nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm hơn 1,3%.
Như vậy, tổng nguồn thu sau 4 năm tăng thêm 211 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 68,28%).
Trong đó, tỉ lệ thu từ học phí tăng từ 51,78% lên 68,28%. Trong khi đó, tỉ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ qua các năm này hầu như không đáng kể, chỉ chiếm 0,97%, 1,3%. Thậm chí, có năm không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (theo báo cáo công khai tài chính năm học 2020-2021).
Trong khi đó, theo Đề án tuyển sinh năm 2020, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2019 của Học viện Tài chính là 216,549 tỷ đồng.
Đề án tuyển sinh năm 2021 cũng cung cấp thông tin tương tự đối với nội dung công khai về tài chính.
Tại Đề án tuyển sinh 2022, thông tin về tổng nguồn thu hợp pháp năm 2021 vẫn “không đổi” so với năm 2019 và 2020.
Như vậy, số liệu này không khớp với báo cáo công khai tài chính các năm học đã được Học viện công bố trên website.
Giải đáp những băn khoăn với các dữ liệu trên về đại diện Học viện Tài chính cho biết: Số thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm học 2020-2021: Thời điểm báo cáo có thể kinh phí nghiên cứu khoa học đang tạm ứng, chưa hoàn thành đủ các thủ tục, điều kiện quyết toán nên số liệu để cung cấp báo cáo tạm thời chưa có.
Sau 4 năm, mặc dù ngân sách giảm nhưng tổng nguồn thu tăng mạnh (211 tỷ đồng). Học viện Tài chính lý giải: Số thu học phí tăng phụ thuộc nhiều lý do: Mức tăng theo lộ trình tăng học phí của Nhà nước quy định; tăng do cơ cấu sinh viên đào tạo thay đổi; tăng do thời điểm đăng ký tín chỉ và thời điểm ghi nhận doanh thu...
Vị này cũng khẳng định: Các số liệu báo cáo về tình hình tài chính của Học viện đều chính xác, đảm bảo tính hệ thống. Tuy nhiên, tùy theo từng thời điểm tập hợp số liệu, hoặc yêu cầu của báo cáo nhằm giúp người đọc, người quan tâm dễ hiểu và thấy được sự logic của số báo cáo, nên số liệu trình bày có thể có sự khác biệt.
Về nguồn thu của năm học gần nhất: Cơ cấu chủ yếu là nguồn thu học phí, ngoài ra Học viện có nguồn thu từ hoạt động đào tạo bồi dưỡng, tư vấn tài chính kế toán và các thu hoạt động khác theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tăng cường mở rộng và phát triển, đa dạng hóa các hình thức, lĩnh vực, chương trình đào tạo… để đáp ứng tối đa nhu cầu của người học để tăng nguồn thu.