3 công ty con gây lỗ triền miên cho PVPower, Kiểm toán Nhà nước vẫn còn bỏ sót?
Kiểm toán Nhà nước cho biết, hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PVPower bị thua lỗ, mất vốn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều khoản chi khác gây lỗ nặng.
Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo tổng hợp Kết quả kiểm toán năm 2020. Trong đó, hàng ngàn tỷ đồng tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) đã vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước.
Kiểm toán “bêu tên” 3 đơn vị
Kiểm toán Nhà nước đánh giá Công ty mẹ PVPower nằm trong danh sách các đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Điều này được thể hiện qua việc cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư
Kiểm toán Nhà nước cho biết hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PVPower bị thua lỗ, mất vốn. Thế nhưng, vẫn còn nhiều khoản chi khác gây lỗ nặng.
Hoạt động liên kết, đầu tư dài hạn khác tại Công ty mẹ - PVPower bị thua lỗ, mất vốn. 3 khoản đầu tư dài hạn khác (Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí, Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty CP Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương) mất vốn phải trích lập dự phòng 20,24 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019, tổng số trích lập dự phòng mà PVPower chi cho 3 đơn vị này “chỉ” là 19,95 tỷ đồng, thấp hơn con số mà Kiểm toán Nhà nước công bố 290 triệu đồng.
Đây là 3 công ty thua lỗ triền miên. Đáng chú ý nhất là Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí (PXC). Hiện tại, cổ phiếu PXC của công ty đang giao dịch trên UpCOM nhưng không nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Trong suốt thời gian dài, không giao dịch nào được phát sinh, PXC “đóng băng” ở mức 400 đồng/cổ phiếu, giảm 9.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 96% so với mệnh giá.
Đây là kết quả của việc thua lỗ triền miên tới mức âm vốn chủ sở hữu. Trong các năm từ 2015 đến 2018, PXC lần lượt lỗ 3,2 tỷ đồng, 17,5 tỷ đồng, 72,7 tỷ đồng, 81,7 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính mới nhất được PXC công bố công khai là quý 3/2019. Vì vậy, không rõ trong năm 2019 công ty này thua lỗ thêm bao nhiêu, chỉ biết 9 tháng đầu năm 2019, công ty lỗ thêm 8 tỷ đồng khiến lỗ lũy kế đạt tới 486 tỷ đồng. Với vốn góp chủ sở hữu là 281 tỷ đồng, PXC đã âm vốn chủ sở hữu 191 tỷ đồng.
PVPower đã đầu tư 18,2 tỷ đồng vào PXC nên tại thời điểm kiểm toán (năm 2019), PVPower đã phải trích hoàn toàn 18,2 tỷ đồng vào khoản đầu tư kém hiệu quả này. Tới cuối quý 1/2021, số tiền PVPower phải “treo” vẫn là 18,2 tỷ đồng.
Số tiền mà PVPower phải chi ra để trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tại Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty CP Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương vẫn là 1,2 tỷ đồng và 550 triệu đồng.
Kiểm toán vẫn “bêu” tên thiếu?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2019 của PVPower, có thể thấy ngoài 3 doanh nghiệp bị Kiểm toán Nhà nước “bêu tên” Công ty CP Phát triển đô thị Dầu khí, Công ty CP Thủy điện Sơn Trà Sông Đà, Công ty CP Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương, PVPower vẫn phải trích lập dự phòng cho nhiều khoản đầu tư khác.
PVPower đã rót hơn 11,1 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Bê tông công nghệ cao, 3 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Xây lắp điện Dầu khí Việt Nam, hơn 2 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An, 841 triệu đồng vào Công ty cổ phần Máy – Thiết bị dầu khí Miền Nam. Và PVPower phải trích lập 100% vốn đầu tư để dự phòng.
Ngoài ra, vẫn còn một số khoản đầu tư khác, PVPower phải trích lập dự phòng, dù không phải 100%. Đó là Công ty cổ phần Cơ điện Dầu khí (260 triệu đồng cho khoản đầu tư 1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đóng mới và Sửa chữa tàu Dầu khí Nhơn Trạch (1,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư 3,6 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối năm 2019, PVPower đã phải dành 38,6 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản đầu tư có giá gốc đạt 605 tỷ đồng. Còn tới quý 1/2021, số trích lập dự phòng giảm xuống còn 35,7 tỷ đồng cho các khoản đầu tư có giá gốc 605 tỷ đồng.