'3 cùng' địa bàn - ngăn tối đa nguy cơ hỏa hoạn
Cùng tuyên truyền, cùng hướng dẫn và cùng kiểm tra, xử lý vi phạm; đó là quan điểm mà Công an quận Hà Đông, Hà Nội xác định rõ với ngay chính các đồng chí trong Ban chỉ huy Công an quận, đến cấp phường, để ngăn ngừa tối đa nguy cơ hỏa hoạn.
Không dừng ở việc chữa cháy
Đặt lịch làm việc 11h trưa thứ Ba, 20-9, với Thiếu tá Vũ Hồng Linh - Phó trưởng Công an quận Hà Đông, nhưng phải sau 30 phút, chúng tôi mới gặp được nữ Phó trưởng Công an quận. Gương mặt lấm tấm bụi than; bộ quân phục đẫm mồ hôi, không phải bởi chị vừa leo bộ lên phòng làm việc ở tầng 3, mà là vừa di chuyển từ điểm cháy căn nhà liền kề ở phường Kiến Hưng về!
“Sát giờ hẹn với nhà báo thì nhận tin báo cháy từ đồng chí Trưởng Công an phường. Hỏa hoạn do hàn xì. Tin ban đầu có công nhân đang làm việc. Vậy là gác hết…”, Thiếu tá Linh giải thích lý do vì sao trễ hẹn. Song, cả chủ và khách đều nhẹ người. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người. Ngôi nhà liền kề đang sửa chữa, không có đồ đạc. Nhóm 3 công nhân trong lúc hàn xì, để tia lửa bắn vào xốp. Hai người chạy thoát ngay. Người còn lại leo lên sân thượng, và đã được lực lượng chữ cháy, cứu hộ dùng xe thang đưa xuống đất an toàn.
Chưa đến 30 phút để xử lý gọn ghẽ vụ cháy, hướng dẫn thoát nạn 1 người. Kết quả đó là tổng hòa sự liên hoàn: tiếp nhận, xử lý nhanh thông tin ban đầu; huy động kịp thời lực lượng chữa cháy tại chỗ; và triển khai bài bản lực lượng chuyên nghiệp, qua đó đồng loạt thực hiện biện pháp khoanh vùng chống cháy lan, dập lửa, và tìm kiếm, hướng dẫn thoát nạn.
Nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó! Trong cuộc làm việc với PV ANTĐ, Thiếu tá Vũ Hồng Linh đã yêu cầu chỉ huy Đội CS PCCC&CNCH phối hợp với Công an phường Kiến Hưng nhanh chóng xác minh, làm rõ và xử lý triệt để lỗi vi phạm của cá nhân, tổ chức liên quan. “Hàn xì bất cẩn gây cháy luôn là một trong những nguyên nhân mà lực lượng chức năng nhấn mạnh trong các buổi tuyên truyền ở cơ sở. Sau vụ cháy này, chúng tôi sẽ làm rõ hậu quả xảy ra, trách nhiệm của chủ nhà hay bên thi công; đặc biệt, có tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn PCCC hay không. Vi phạm phải bị xử lý nghiêm, mới tạo được sự răn đe, phòng ngừa”, đồng chí Phó trưởng Công an quận khẳng định.
“Cầm tay chỉ việc”
Hà Đông là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, song vẫn còn nhiều phường mang tính chất làng xã; hạ tầng chật chội, nhiều kho xưởng và nghề thủ công tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Nhưng trong bối cảnh ấy, tính riêng các tháng đầu năm 2022 này, quận không xảy ra cháy phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. “Tuyệt đối không được phép chủ quan, và chú trọng phòng ngừa luôn là bài học nằm lòng”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận nêu rõ quan điểm trong công tác phòng, chống hỏa hoạn.
Có một vấn đề tích cực trong cách làm của quận Hà Đông đối với phòng, chống “giặc lửa”; đó là xác định rõ trách nhiệm không chỉ riêng lực lượng Công an. Công an quận đã tham mưu Quận ủy, UBND quận, Ban chỉ đạo 197 quận, thường xuyên và trước những diễn biến của tình hình cháy, nổ, kịp thời có văn bản chỉ đạo, trong đó chỉ rõ sự vào cuộc, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các ngành, làm thế nào để “phòng” thật tốt, ngay tại địa bàn dân cư.
Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Phòng cháy và Chữa cháy, và Luật Phòng cháy và Chữa cháy sửa đổi là “kim chỉ nam” để quận Hà Đông cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo ấy. Thiếu tá Vũ Hồng Linh nhìn nhận, NĐ 136 đã phân cấp mạnh mẽ, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường đối với công tác phòng ngừa hỏa hoạn. Công an là chủ công, nhưng cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và cán bộ cơ sở không ngoài cuộc.
Chín tháng của năm 2022, tại Hà Đông, 101 tin cháy và được lực lượng tại chỗ hoặc quần chúng nhân dân phát hiện, dập tắt kịp thời không để gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. 17 phường với 252 khu dân cư (tổ dân phố); qua rà soát thống kê, địa bàn quận có 5.594 cơ sở thuộc diện quản lý theo NĐ 136.
Trong quá trình quản lý, lực lượng chức năng quận đã tiến hành kiểm tra 4.598 lượt cơ sở và trực tiếp cán bộ đội PCCC&CNCH hướng dẫn khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác PCCC như: hồ sơ quản lý công tác PCCC chưa đầy đủ, lối thoát nạn không đảm bảo; trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC; bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa sinh nhiệt không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC...
Triển khai NĐ 136, Công an quận phối hợp tổ chức 80 lớp huấn luyện về PCCC cho 220 cơ sở, cấp 3.418 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, tổ chức 19 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho các đội dân phòng, cấp 240 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC.
Đằng sau những con số có phần khô khan này, là sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, sát sao của lực lượng Công an. Từ tập huấn, tuyên truyền, đến hướng dẫn, kiểm tra. Ngay cả hội nghị cấp khu dân cư, đại diện chỉ huy Công an quận cũng “đứng lớp”, để hướng dẫn, để giải đáp những khúc mắc trong quá trình thực hiện NĐ 136. Ở góc độ khác, điều đó minh chứng rõ hơn cho quan điểm: phòng, chống giặc lửa, không ai được phép ngoài cuộc!
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/3-cung-dia-ban-ngan-toi-da-nguy-co-hoa-hoan-post517594.antd