3 cuốn sách ra đời trong ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
NXB Trẻ vừa giới thiệu 3 cuốn sách chào mừng ngày bầu cử toàn quốc, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 80 năm thành lập Mặt trận Việt Minh.
Bộ ấn phẩm sách Bác Hồ do PGS.TS Hà Minh Hồng chủ biên, gồm: “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” bản in mới tháng 5-2021 chào mừng ngày bầu cử toàn quốc để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” ấn hành chào mừng kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); “Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh” tái bản nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) đồng thời cũng là dịp 80 năm thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2011).
Sách được trình bày và in ấn đẹp theo khổ 23x 15,5, với những tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là nguồn sử liệu để bạn đọc tìm hiểu về lịch sử quốc hội Việt Nam và chính phủ Việt Nam giai đoạn đầu.
Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam
Năm 1946 có những ngày thật đáng nhớ: ngày 6/1 diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; ngày 2/3 diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, mở đầu nền lập hiến Việt Nam; ngày 9/11 tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thông qua với số phiếu 240/242 đại biểu Quốc hội...
Ngay từ năm đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, Bác Hồ đã tổ chức Chính phủ và xây dựng Nhà nước, tham gia dự thảo Hiến pháp...
Năm tháng trôi qua những gì Người đặt nền móng cho nền dân chủ và Quốc hội Việt Nam trong 23 năm (1946-1969) vẫn trường tồn cùng lịch sử lập pháp Việt Nam, soi đường chỉ lối cho nền cộng hòa và Quốc hội Việt Nam đi đến tương lai tươi sáng.
Bìa cuốn sách "Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam"
Quyển sách có 6 chương: Từ Quốc dân đại hồi đến Quốc Hội Việt Nam; Bác Hồ tiếp xúc cử tri; Bác Hồ với các kỳ bầu cử Quốc Hội, Bác Hồ với các kỳ họp Quốc Hội, Bác Hồ nhận lãnh trách nhiệm nguyên thủ Quốc gia trước Quốc hội; Bác Hồ với hiến pháp được thông qua tại Quốc hội.
Những câu chuyện ngắn trong sách được biên soạn từ những tài liệu và thông tin chính thống của Việt Nam. Các tác giả đã tập hợp và cung cấp cho bạn đọc một phần tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hoạt động của Người trong Quốc hội Việt Nam.
Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam
Ngày 5/6/1911, từ cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đi “xem nước Pháp và các nước khác” với mục tiêu “Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Trong 30 năm tìm kiếm con đường cứu nước, Người không chỉ xác định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; mà còn cùng Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ: Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc”.
Từ năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; đặc biệt khi phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng qua những thác ghềnh hiểm nguy. Chỉ tính trong hơn một năm kể từ lúc khai sinh ra nền dân chủ cộng hòa (2/9/1945) đến trước khi bước vào Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bốn lần kiện toàn Chính phủ. Trong hàng chục năm kháng chiến trường kỳ sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa đấu tranh thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước và lãnh đạo Chính phủ liên tục 24 năm không ngơi nghỉ.
Bìa cuốn sách "Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam"
Trong nhiều công việc của Chính phủ, từ mở rộng thành phần Chính phủ đến hướng toàn bộ Chính phủ vào những công việc cấp bách, thiết thực như chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo tìm nhân tài, sắp xếp cán bộ, cùng các thành viên Chính phủ đề ra và thi hành các chính sách đối nội, đối ngoại. Người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là tấm gương cho cả Chính phủ noi theo.
Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người viết: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
Tác phẩm Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam tập hợp nhiều sử liệu và phân tích về Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - để lại cho chúng ta những tiền đề và bài học thiết thực trong việc xây dựng và điều hành Chính phủ kiến tạo ngày nay.
Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh
Từ thực tế của cách mạng tháng Mười Nga và thực tế cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết rằng: “Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa”.
Ở Việt Nam thực tế đó là việc Mặt trận Việt Minh được thành lập ngày 19/5/1941 với tên gọi đầy đủ là Việt Nam độc lập đồng minh hội, nhằm tập hợp tất thảy các tầng lớp nhân dân cùng có mục tiêu đấu tranh cho Việt Nam độc lập. Thực tế đó chính là quá trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực hiện đại đoàn kết dân tộc, không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân, trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức.
Bìa cuốn sách "Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh"
Dưới sự tổ chức và lãnh đạo tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh, ngay từ khi ra đời (1941) đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình (1951), đã thực hiện thành công đại đoàn kết toàn dân, gồm công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
Thành công của Mặt trận Việt Minh và của cách mạng Việt Nam đã chứng minh lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.
Những câu chuyện về Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh trong sách này cung cấp những thông tin minh định rõ ràng và phong phú về điều vừa là bí quyết, lại vừa có tính nguyên lý ấy của cách mạng Việt Nam, góp phần lý giải sự thành công của Việt Minh trong lịch sử Việt Nam.