3 đặc điểm của người sếp được nhân viên yêu thích

Một lãnh đạo giao tiếp rõ ràng, luôn đưa ra những kỳ vọng thực tế thường được nhiều nhân viên tôn trọng và yêu thích hơn tại công ty.

 Thời thế thay đổi nhanh chóng yêu cầu các sếp cũng cần cập nhật phong cách lãnh đạo và làm việc. Ảnh minh họa: Yankrukov/Pexels.

Thời thế thay đổi nhanh chóng yêu cầu các sếp cũng cần cập nhật phong cách lãnh đạo và làm việc. Ảnh minh họa: Yankrukov/Pexels.

Quan niệm về một người lãnh đạo giỏi đang thay đổi cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự chuyển dịch sang môi trường làm việc kết hợp văn phòng - nhà ở. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ kỹ thuật số trở thành phần thiết yếu trong cuộc sống, kỳ vọng của nhân viên đối với cấp trên cũng đổi khác.

Dưới đây, Fast Company chỉ ra 3 đặc điểm mà nhiều nhân viên mong muốn ở một người sếp trong thời đại hiện nay.

 Giao tiếp hiệu quả giúp mối quan hệ giữa sếp và nhân viên trở nên tốt hơn. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Giao tiếp hiệu quả giúp mối quan hệ giữa sếp và nhân viên trở nên tốt hơn. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Giao tiếp rõ ràng

Nhân viên mong muốn nhận được thông điệp thẳng thắn, minh bạch không chỉ gói gọn trong các chỉ thị và kế hoạch từ cấp trên.

Vì vậy, các sếp cần chú tâm nêu rõ tầm nhìn, định hướng và ưu tiên cho cấp dưới cũng như giải thích lý do đằng sau các quyết định làm việc được đưa ra.

Thêm vào đó, thành công trong công việc còn phụ thuộc vào khả năng xác định vai trò, nhiệm vụ và kỳ vọng cho nhân viên của sếp. Để có thể nỗ lực làm việc hiệu quả, nhân viên cần hiểu được như thế nào là một nhiệm vụ được hoàn thành tốt.

Đối với đánh giá hiệu suất công việc của người lao động, các sếp cũng cần làm việc này sớm, thường xuyên và mang tính xây dựng. Bằng cách này, họ có thể thúc đẩy môi trường làm việc tích cực nơi mọi người được hỗ trợ để học hỏi và phát triển.

Ngoài ra, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, thẳng thắn cũng là chìa khóa giao tiếp để xây dựng lòng tin cho các nhà lãnh đạo. Nhân viên thích những người sếp có thể giao tiếp hiệu quả, chân thực và sẵn sàng chia sẻ thông tin quan trọng một cách chủ động.

Như vậy, ngay cả khi thông tin không tích cực, việc truyền đạt rõ ràng và đồng cảm sẽ giúp người lao động hiểu và tiếp nhận dễ dàng hơn.

 Quan tâm đến nhân viên không chỉ trong công việc mà còn cuộc sống của họ giúp công việc trở nên suôn sẻ hơn. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Quan tâm đến nhân viên không chỉ trong công việc mà còn cuộc sống của họ giúp công việc trở nên suôn sẻ hơn. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Đặt nhân viên làm trung tâm

Hiện nay, nhiều nhân viên phải đối mặt với không ít căng thẳng và trở nên ít gắn bó hơn với công việc.

Theo báo cáo Gallup State of the Global Workplace 2023, 59% người lao động trên thế giới không thực sự kết nối với công việc của mình. Họ đang âm thầm nghỉ việc bằng cách bỏ ra ít nỗ lực hơn khi đi làm.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng mức độ căng thẳng của nhân viên vẫn ở mức cao kỷ lục, với 44% người tham gia cho hay họ chịu áp lực lớn mỗi ngày. Vì vậy, hơn một nửa số người lao động (51%) đang tìm kiếm việc làm mới.

Để giữ chân nhân viên, các sếp phải thể hiện sự quan tâm chân thành đến phúc lợi của họ. Điều này bao gồm việc dành thời gian để thường xuyên kiểm tra và hỏi thăm cuộc sống của cấp dưới, hiểu được những khó khăn họ đang trải qua và hỗ trợ họ nếu có thể.

Với phong cách lãnh đạo lấy yếu tố con người làm trung tâm, nhân viên sẽ được đặt lên hàng đầu. Họ hạnh phúc cũng đồng nghĩa với hiệu suất công việc được nâng cao.

Cách tiếp cận này xây dựng lòng tin giữa đôi bên hiệu quả cũng như tạo ra một môi trường làm việc tích cực nơi ghi nhận, tôn vinh và trân trọng đóng góp của nhân viên.

 Công việc sẽ hiệu quả hơn khi sếp đặt ra những kỳ vọng và tiêu chuẩn làm việc thực tế cho nhân viên. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Công việc sẽ hiệu quả hơn khi sếp đặt ra những kỳ vọng và tiêu chuẩn làm việc thực tế cho nhân viên. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Kỳ vọng thực tế

Khi nhân viên cảm thấy quá tải và mất kiểm soát trong công việc, các sếp cần thấu hiểu việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và thực tế.

Họ cần xác định nhiệm vụ, tiêu chuẩn hành vi, giới hạn khối lượng và tính linh hoạt trong công việc một cách hài hòa.

Một người sếp giỏi luôn biết cách thành lập khuôn khổ rõ ràng và cân bằng giữa các mục tiêu đầy tham vọng với những gì mình có thể đạt được.

Thêm vào đó, khi nhân viên hiểu được vai trò của mình và những gì được kỳ vọng ở bản thân, họ sẽ không dễ rơi vào những tình huống bối rối và đạt được thành công nhanh hơn.

Cấp trên cần phải đảm bảo khối lượng công việc thực tế để người lao động tránh rơi vào kiệt sức và duy trì sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ ốm liên miên do căng thẳng kéo dài.

Ngoài ra, sếp cũng cần linh hoạt trong công việc. Điều này có nghĩa là họ nên thích nghi với đa dạng phong cách làm việc và hoàn cảnh riêng của nhân viên để đem lại môi trường làm việc hiệu quả.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-dac-diem-cua-nguoi-sep-duoc-nhan-vien-yeu-thich-post1490651.html