'3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá' tăng năng suất lao động

Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quan trọng góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tại Diễn đàn 'Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024' vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp đến các cấp, ngành, địa phương, người lao động cần tập trung thực hiện tốt '3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá' để thúc đẩy tăng NSLĐ…

Năng suất lao động tăng 2,7 lần sau gần 40 năm đổi mới

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, NSLĐ quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi, con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tầm quan trọng đó, Trung ương các khóa đều đưa tăng NSLĐ là một trong những chỉ tiêu chủ yếu vào nghị quyết. Từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cốt lõi để tăng NSLĐ nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nhật Bắc

Trên tinh thần, quan điểm đó, các cấp, ngành đã quyết liệt triển khai các giải pháp tăng NSLĐ. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập, NSLĐ đã tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên gần 189 triệu đồng/lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương GDP, giai đoạn 2021 - 2022, NSLĐ của Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của cả thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Có thể thấy, thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng NSLĐ, góp phần quan trọng cho thành tựu chung của đất nước. Do đó, cần chú trọng chăm lo cuộc sống cho lực lượng này. Như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, song thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động, trong khi đó, đóng góp của các yếu tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, nâng cao NSLĐ, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với kỳ vọng. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, trọng tâm là cải thiện, từng bước nâng cao NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ “3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để tăng năng suất lao động. Theo đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương chung tay tập trung thực hiện đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

Đồng thời, tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ.

Cùng với đó, là bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề. Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn… Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng NSLĐ; gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý… Đặc biệt, chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

TRẦN TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/3-day-manh-3-tien-phong-3-but-pha-tang-nang-suat-lao-dong-i373026/