'3 địa bàn', '4 nhóm đối tượng' trong thực hiện Đề án 1371

Thực hiện Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027' (Đề án 1371), huyện Chư Prông (Gia Lai) đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh biên giới, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng huyện Chư Prông, Đề án 1371 rất ý nghĩa và thiết thực đối với địa phương, nhất là trong nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khu vực biên giới. Trung tá Phạm Thanh Tùng, Chính trị viên Ban CHQS huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 1371 cho biết, Chư Prông là huyện biên giới có hơn 36km đường biên tiếp giáp nước bạn Campuchia và có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, hơn 48,6% là đồng bào DTTS. Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về pháp luật của đồng bào DTTS hạn chế và còn một số phong tục, tập quán lạc hậu, dễ bị các đối tượng lợi dụng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự. Vì vậy, thực hiện Đề án 1371, huyện Chư Prông đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông.

Điểm nổi bật ở huyện Chư Prông trong thực hiện Đề án 1371 là cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Đề án đã lãnh đạo, triển khai toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào “3 địa bàn” (các xã biên giới, xã có đạo giáo hoạt động, xã nội địa) và “4 nhóm đối tượng” (cán bộ trong hệ thống chính trị thôn, làng; thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ; đồng bào DTTS; cán bộ, chiến sĩ LLVT). Đồng thời áp dụng linh hoạt, phong phú các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, như: Lên lớp tập trung; thông qua sinh hoạt thôn, làng, giáo xứ, dòng họ; thông qua già làng, người có uy tín trong cộng đồng; tuyên truyền trực quan bằng pano, khẩu hiệu; niêm yết nội dung điều luật; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; “Tủ sách pháp luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; hệ thống truyền thanh của huyện, xã, loa lưu động, các website, Fanpage, Zalo... Từ năm 2021 đến nay, UBND và Ban chỉ đạo Đề án 1371 huyện Chư Prông đã ban hành 39 văn bản triển khai thực hiện đề án; biên soạn 22 bài giảng pháp luật, 150 cuốn sách hỏi đáp pháp luật; tổ chức 50 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 2.200 lượt người nghe.

Sau khi khảo sát việc thực hiện Đề án 1371 tại huyện Chư Prông, Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Đề án tại địa phương cần phải phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và vai trò tham mưu, triển khai thực hiện của Ban chỉ đạo đề án, cơ quan thường trực. Với đặc điểm của một xã biên giới, người đồng bào DTTS đông, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, huyện Chư Prông phải bám sát chủ trương “Nâng cao dân trí, đẩy mạnh dân sinh. Nắm vững dân tình. Hiểu rõ dân tâm”, gắn thực hiện Đề án 1371 với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/3-dia-ban-4-nhom-doi-tuong-trong-thuc-hien-de-an-1371-791664