3 điểm cộng trong quy tắc xuất xứ của RCEP
So với các Hiệp định thương mại tự do trước đây, quy tắc xuất xứ trong RCEP có một số điểm mới nhưng lại không quá khó cho doanh nghiệp khi thực thi, nên RCEP hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mang đến giá trị lớn để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường đối tác hiện nay.
Có 3 điểm cộng trong bộ quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia.
Thứ nhất, Hiệp định RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ không những từ các nước ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Úc, Niu Di-lân, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.
Ví dụ như, với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Đây được coi điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng trong toàn khối RCEP để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối.
Thứ hai, ngay khi thực thi Hiệp định RCEP, ngoài việc áp dụng cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về tính khả thi của cộng gộp toàn phần, là quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực (tương tự như quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP)
Thứ ba, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP sẽ đa dạng hơn so với các FTA ASEAN+1.
Theo đó, doanh nghiệp có thể áp dụng 3 hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:
Một là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp bởi các tổ chức cấp;
Hai là doanh nghiệp đủ điều kiện được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
Ba là bất kỳ doanh nghiệp có thể được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn các thủ tục cấp phép chứng nhận xuất xứ đa dạng như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch, và chủ động hơn trong việc phát hành hóa đơn thương mại.
Theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Ngành dệt may kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường rộng mở hơn ở quốc gia tỷ dân này.
Ngoài Trung Quốc thì ông Vũ Đức Giang cho rằng, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc.
Nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.