3 điều cần nhớ khi chăm con sốt tại nhà
Sốt là biểu hiện thường gặp ở trẻ em, có thể tự điều trị tốt tại nhà nếu phụ huynh nắm rõ 3 nguyên tắc này.
Sốt là hiện tượng thường gặp ở trẻ em, khi đó nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường. Lúc này, nhiệt độ khi đo ở nách (trán) trên 37,5 độ C, ở miệng (tai) hoặc hậu môn trên 38 độ C.
Sốt ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây nên như nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn (thường gặp), mất nước, say nắng...
Biểu hiện khi trẻ sốt tùy theo nhiệt độ, có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Hầu hết trẻ sẽ có các dấu hiệu mệt mỏi hoặc kích thích, quấy khóc, biếng ăn; ấm, nóng ở nách, bụng; đôi khi lòng bàn tay, bàn chân lạnh; nặng hơn có thể nói sảng, co giật, thở nhanh, lừ đừ.
Theo ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), phụ huynh nên chú ý 3 điều sau khi chăm con sốt tại nhà.
- Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt khi cần thiết:
Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
Dùng thuốc hạ nhiệt khi sốt trên 38 độ C với công thức paracetamol dạng uống và dạng đặt hậu môn với liều 10-15 mg/kg/ lần (4-6 giờ/ lần), tối đa 500mg/lần.
Lau người bằng nước ấm trong trường hợp sốt quá cao gây khó chịu cho trẻ, co giật, hoặc có nguy cơ sốt co giật. Nhiệt độ nước lau mát nên thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ C, thời gian lau khoảng 15 phút, tập trung ở cổ, nách, bẹn. Bố mẹ chỉ ngưng lau ấm khi thân nhiệt trẻ xuống dưới 38,5 độ C và không lau mát với trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt dẫn đến hạ thân nhiệt.
- Bù nước đầy đủ: Cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước trái cây, nước súp, oresol..). Trẻ còn bú mẹ nên được cho bú nhiều hơn, ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm.
- Đưa trẻ đến bệnh viện nếu có biểu hiện dưới đây:
Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt
Trẻ sốt từ 2 ngày, sốt không kiểm soát được nhiệt độ dù đã cho uống thuốc hạ sốt
Khi có dấu hiệu nguy cơ nặng (lừ đừ, li bì, khó đánh thức, nôn ói nhiều, co giật, thở nhanh, rút lõm ngực…).
Bên cạnh đó, bác sĩ Kiều cũng khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ mặc nhiều quần áo hoặc quấn kín trẻ khi trẻ sốt; không chườm mát bằng nước đá, rượu; không cạo gió, cắt lễ. Đối với những trẻ đang co giật, cha mẹ tuyệt đối không nặn chanh, đổ nước, đổ thuốc vào miệng bé.
Ngoài ra, việc điều trị cần kiên nhẫn, không nên nóng vội dùng nhiều thuốc hạ sốt có chung thành phần (như sử dụng paracetamol nhét hậu môn và uống cùng lúc), đảm bảo khoảng cách liều hạ sốt theo hướng dẫn, không uống liên tiếp nhiều lần vì khiến trẻ bị quá liều, có nguy cơ ngộ độc thuốc.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-dieu-can-nho-khi-cham-con-sot-tai-nha-post1470569.html