3 điều không nên nói khi phỏng vấn xin việc

Trót nói những câu kém tinh tế trong buổi phỏng vấn đầu tiên có thể là lý do khiến bạn 'thua' ngay trong phút đầu xin việc.

 Buổi phỏng vấn của bạn có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào những điều ứng viên nói ra. Ảnh: Economics21.

Buổi phỏng vấn của bạn có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào những điều ứng viên nói ra. Ảnh: Economics21.

Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, mỗi điều được nói ra đều có giá trị. Với 40 năm sự nghiệp, ông Eric Yaverbaum, CEO Ericcho Communications, đã phỏng vấn hàng nghìn ứng viên. Vị CEO nhận định một câu trả lời tồi cũng có thể giết chết cơ hội được tuyển dụng.

Cụ thể, trong vòng vài phút sau khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường có xu hướng đưa ra những đánh giá nhanh về ứng viên.

Vì vậy, nếu ứng viên nói những điều được cho là kiêu ngạo, không quan tâm đối phương hoặc yếu đuối, ấn tượng đầu tiên có thể phá hủy ngay lập tức.

Trao đổi với CNBC, ông Yaverbaum chỉ ra 3 cụm từ ứng viên cần tránh để tăng cơ hội được tuyển dụng.

"Tôi rất quan tâm về..."/"Tôi rất hứng thú về..."

Ông Yaverbaum cho rằng việc khẳng định quan điểm, mối quan tâm cá nhân về một chủ đề có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy ứng viên không linh hoạt, khó làm việc cùng.

Thay vào đó, ứng viên nên trao đổi với nhà tuyển dụng một cách lịch sự, nhẹ nhàng. Ví dụ, ứng viên có thể nói "Tôi luôn muốn tìm hiểu cách các công ty tiếp cận về... Làm thế nào mà công ty có thể hoạt động trong lĩnh vực đó".

Cụ thể hơn, nếu bạn mong muốn đa phần giờ làm việc từ xa nhưng không chắc chắn về chính sách của công ty, bạn có thể nói "Tôi luôn muốn tìm hiểu cách các công ty tiếp cận công việc linh hoạt và kết hợp các hình thức làm việc ra sao".

Ông Yaverbaum cho rằng cách diễn đạt này “ít gây hấn hơn nhiều” và cho thấy ứng viên là một người cởi mở.

 Trong cuộc phỏng vấn, ứng viên nên đưa ra một số chi tiết cụ thể về công ty sau khi đã tìm hiểu. Ảnh: Majerrecruitment.

Trong cuộc phỏng vấn, ứng viên nên đưa ra một số chi tiết cụ thể về công ty sau khi đã tìm hiểu. Ảnh: Majerrecruitment.

"Tôi đã tìm hiểu tất cả về công ty"

Ông Yaverbaum khẳng định câu nói này sẽ khiến ứng viên thất bại.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn một vài chi tiết nhỏ trong cuộc trao đổi trước đó và bạn không để ý? Tuyên bố 'đã tìm hiểu tất cả về công ty' được coi là sự phóng đại quá mức, khiến bạn trông có vẻ quá tự tin và không thành thật", ông Yaverbaum nói.

Thay vào đó, ứng viên nên đưa ra một số chi tiết cụ thể về công ty sau khi đã tìm hiểu.

Việc ứng viên cung cấp một dẫn chứng cụ thể, rõ ràng sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy ứng viên đã nghiên cứu kỹ về công ty cũng như thực sự quan tâm đến công việc mà tổ chức đang làm.

"Tôi không biết"

"Tôi không biết" có thể chỉ là phản ứng tức thời khi ứng viên bối rối trước một câu hỏi. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn thiếu kinh nghiệm hoặc không chuẩn bị khi nói câu này.

Thay vào đó, ứng viên nên trả lời "Đó là một câu hỏi thực sự thú vị, hãy cho tôi một phút để suy nghĩ về điều đó".

Tạm dừng trước khi trả lời một câu hỏi khó giúp ứng viên có thêm thời gian để đưa ra câu trả lời chu đáo, đồng thời đánh dấu sự khác biệt với các ứng viên khác.

"Bình tĩnh và tự tin trong câu trả lời có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn phù hợp làm việc theo nhóm và linh hoạt giải quyết vấn đề. Đây đều là những kỹ năng nhà tuyển dụng cần ở nhân viên", ông Yaverbaum giải thích.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-dieu-khong-nen-noi-khi-phong-van-xin-viec-post1401629.html