3 điều nổi bật sau 2 năm chiến sự Nga - Ukraine
Thế giới bước vào năm thứ ba của cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine với tâm trạng lo ngại và thức tỉnh nhận thức về diễn biến và triển vọng của tình hình chính trị, an ninh thế giới và quan hệ quốc tế.
Ở vào thời điểm bắt đầu năm thứ ba của cuộc chiến tranh này, có thể thấy được rõ những điều nổi bật sau hai năm chiến sự. Những điều này không những cho thấy cuộc chiến đã và đang tiếp tục làm thế giới chúng ta đang sống thay đổi sâu sắc và biến động mạnh mẽ, mà còn chi phối diễn biến của cuộc chiến trong năm thứ ba và có thể cả những năm tiếp theo.
Thứ nhất, về bản chất cuộc chiến. Từ giác độ chiến tranh trong nghĩa đen kinh điển của khái niệm, cuộc chiến này bao hàm 3 thành tố là cuộc chiến tranh trực tiếp trên thực địa giữa Nga và Ukraine; cuộc chiến không chính thức và không trực tiếp giữa Nga với vũ khí, công nghệ và tiền của của Mỹ, EU, NATO và các nước trong khối Phương Tây trên chiến địa thực tế là Ukraine; và một kiểu chiến tranh khác biệt cơ bản so với các cuộc chiến tranh từ trước đến nay là sử dụng vai trò quyết định của công nghệ cao, kỹ thuật số và sử dụng các thiết bị, vũ khí tự động.
Hai năm qua, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm rất nhiều chủng loại vũ khí mới và thử nghiệm cách thức tiến hành chiến tranh mới trong môi trường, điều kiện chiến tranh thực thụ. Điều này cũng bộc lộ ở lần chiến tranh hiện tại giữa Hamas và Israel ở dải Gaza cũng như trong cuộc đụng độ giữa phong trào phiến quân Houthi với quân đội Mỹ và đồng minh ở vùng Biển Đen.
Sau hai năm, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã làm thay đổi chính trị thế giới và quan hệ quốc tế khi phá bỏ những rào cản và kiềm chế hữu hình cũng như vô hình giúp cho thế giới có được ổn định và an ninh tương đối trong thời kỳ chưa có được trật tự thế giới bền vững. Nó làm rung chuyển và lay chuyển nhiều quy tắc và nhiều phương diện hiệu ứng của luật pháp quốc tế được sử dụng làm nền tảng và trụ cột của trật tự thế giới mà con người từng có hoặc vẫn còn giữ được trong chừng mực nhất định trên thế giới.
Sau hai năm, cuộc chiến tranh này đã làm thay đổi thế giới khi làm cho chính trị thế giới và quan hệ quốc tế bị phân bè, chia tuyến rõ nét. Nó "đầu độc" bầu không khí chính trị giữa các phe nhóm và tập hợp lực lượng trong các khuôn khổ, diễn đàn đa phương. Việc khắc phục tình trạng này sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian đối với thế giới. Thế giới rồi đây còn tiếp tục bất an và bất ổn, chiến tranh và xung đột bạo lực còn có thể bùng phát ở nhiều nơi nữa...
Thứ hai, cả Nga lẫn Ukraine đều vừa thắng, vừa thua sau hai năm chiến tranh. Nga không thành công với chủ định đánh nhanh thắng nhanh và đạt được tất cả những mục tiêu đề ra, nhưng cũng đã đánh chiếm thêm được hơn 10% lãnh thổ của Ukraine và đang gia tăng thế chủ động tấn công ở Ukraine. Còn Ukraine đã buộc Nga phải kéo dài thời gian chiến tranh, bền bỉ chống đỡ và gây thiệt hại lớn cho hải quân Nga ở vùng Biển Đen cũng như từng bước đưa chiến tranh vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng việc thu hồi lại những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát vẫn chưa thành công. Cả hai phía đều bị tổn hại rất lớn về người và của, nhưng đều không sa sút ý chí, tiếp tục chiến tranh đến chiến thắng cuối cùng.
Sau hai năm chiến tranh bất phân thắng bại, Nga và Ukraine cùng bước vào năm chiến tranh thứ ba với nhận thức thực tế hơn. Nga đã phải chuyển từ thế tin chắc sẽ thắng sang có thể chiến thắng, trong khi Ukraine chuyển từ có thể thắng sang không bị thua nhờ có sự hỗ trợ của các đồng minh.
Thứ ba, thực trạng tình hình của Nga và Ukraine trái ngược nhau về phương diện tiềm lực quân sự, tài chính và kinh tế. Ukraine đã trở nên lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ, EU và các đồng minh khác để bộ máy chính quyền và đời sống của cả xã hội không bị đổ sụp, cũng như để có thể tiếp tục chiến tranh với Nga. Đây là điểm yếu nhất và cũng nguy hiểm nhất đối với Ukraine cả ở hiện tại lẫn tương lai. Nói theo cách khác, không phải Ukraine, mà sự trợ giúp của Mỹ, EU và các đồng minh trong khối các quốc gia phương Tây quyết định Ukraine rồi đây có thể thắng được Nga hay sẽ thua Nga trong cuộc chiến tranh này.
Sau hai năm chiến tranh, mức độ khó khăn và khó xử của Ukraine gia tăng rõ rệt vì mọi dấu hiệu đều cho thấy cả Mỹ lẫn nhiều thành viên EU và NATO suy giảm mức độ sẵn sàng tiếp tục hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá để Ukraine đánh bại Nga bằng quân sự, trong khi Nga khiến cả thế giới, không chỉ riêng Mỹ, EU, NATO, Ukraine và đồng minh, bị bất ngờ về khả năng ứng phó và thành công của nước này trong ứng phó với những biện pháp chính sách của Mỹ, EU và đồng minh nhằm cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính, thương mại.
Vì thế, năm chiến tranh thứ 3 này (2024) sẽ là năm bản lề đối với diễn biến của cuộc chiến. Nga nhiều khả năng sẽ mở rộng phạm vi chiến trường, trong khi Mỹ, EU, NATO và đồng minh sẽ cải thiện sự trợ giúp Ukraine về quân sự để Ukraine xoay chuyển tình thế trên chiến trường nhằm tạo bước chuyển chiến lược quyết định cho cục diện cuộc chiến trong năm 2025, buộc Nga phải chịu thua hoặc để Nga và Ukraine cùng đi vào giải pháp chính trị hòa bình.
Sau hai năm chiến tranh, câu hỏi lớn đặt ra vẫn chưa được giải đáp là cuộc chiến tranh này đến khi nào mới đi vào hồi kết và sẽ kết thúc như thế nào? Hiện tại và cả trong thời gian tới, giải pháp chính trị hòa bình vẫn bất khả thi vì Nga không chịu từ bỏ những vùng lãnh thổ đã đánh chiếm được, trong khi Ukraine cũng không muốn và không thể từ bỏ những vùng lãnh thổ này. Cả hai đều chỉ sẵn sàng đi vào giải pháp chính trị trên thế mạnh, chứ không phải ở thế yếu và càng không ở thế bị bên ngoài coi là yếu.
Cuộc chiến này còn tiếp tục làm thay đổi thế giới một thời gian nữa.
Đại sứ Trần Đức Mậu
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/3-dieu-noi-bat-sau-2-nam-chien-su-nga-ukraine-659139.html