3 định hướng, 6 nhiệm vụ để phát triển Thủ đô

Thành phố Hà Nội định hướng phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Trong đó quy hoạch cũng cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị cùng các quy hoạch cấp Quốc gia, nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng...

Ảnh chụp tại nút giao Mai Dịch thuộc Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch, Nam Thăng Long, Vành đai 3, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Ảnh chụp tại nút giao Mai Dịch thuộc Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch, Nam Thăng Long, Vành đai 3, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Tập trung đầu tư đường sắt đô thị

Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng cao nhất, cơ sở khai thác nội dung cơ bản là rà soát, hoàn thiện và làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử; phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô. Trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước theo định hướng của Quy hoạch Quốc gia và các Nghị quyết của Trung ương. Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cũng được làm sắc nét hơn, trong đó nhấn mạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng.

Tại Kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, để đạt mục tiêu trên, đồ án xác định bốn khâu đột phá phát triển để tháo gỡ các "điểm nghẽn", gồm: thể chế và quản trị; hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan. Việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Bởi thu hồi đất xây dựng metro với diện tích rất lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Do vậy, quá trình giải phóng mặt bằng sẽ gặp không ít khó khăn. Trong đó, vốn để làm đường sắt đô thị, hoàn thiện 14 tuyến đường sắt đô thị cần hàng chục tỷ USD, thậm chí cả trăm tỷ USD.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cho rằng: TP phải đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển đường sắt đô thị cũng như phát triển kinh tế. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong bối cảnh nhiều TP trên thế giới đã dừng cấp phép ô tô chạy bằng xăng, nên chăng TP Hà Nội cũng cần có cơ chế khuyến khích cho giao thông xanh.

Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho ý kiến: khuyến khích đầu tư tư nhân là một trong những khuyến nghị nổi bật về cơ chế, chính sách để thực hiện quy hoạch. Cụ thể như đặt hàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông và vận hành. Nhà nước thực hiện di dời giải phóng mặt bằng, đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch; cho phép tư nhân đầu tư vào khai thác, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…

6 nhiệm vụ trọng tâm

Quy hoạch chỉ ra 6 nhiệm vụ lớn, thứ nhất: giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng song như: sông Nhuệ, sông Đáy... Giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng. Giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ TP và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.

Thứ hai, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 04 khâu đột phá chiến lược… Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.

Thứ ba, quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như: định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. Phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế, phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp. Cần phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) đảm bảo cân đối, hài hòa.

Thứ tư, quy hoạch tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông. Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh, TP trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.

Thứ năm, quy hoạch đề cập phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm: hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong Vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.

Thứ sáu, quy hoạch cũng đề nghị phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//3-dinh-huong-6-nhiem-vu-de-phat-trien-thu-do-376204.html