3 đột phá giúp tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững

Tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiềm năng để phát triển. Trong đó, Lâm Đồng cần thực hiện 3 đột phá mang tính chiến lược để thúc đẩy sự phát triển.

Lâm Đồng cần thực hiện 3 đột phá

Chiều ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2024.

Chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện 3 đột phá. Trong đó bao gồm: Đột phá về ứng dụng thành quả công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp; Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu; Phát triển công nghiệp, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động nguồn lực xã hội, nhân dân, thúc đẩy phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, năm 2023 kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng 5,63%. Tổng thu ngân sách đạt 13.100 tỷ đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng. 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng thu ngân sách đạt 8.293 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc, ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.410 tỷ đồng và cho phép tỉnh Lâm Đồng áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; hỗ trợ thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương 922 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai đầu tư dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng) trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt cho chủ trương đầu tư. Giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc này theo phương thức đối tác công tư.

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc.

Năng lực cạnh tranh giảm sút

Sau khi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đại diện các bộ, ngành góp ý và nêu các vấn đề còn tồn tại ở tỉnh Lâm Đồng để đưa ra các phương án giải quyết. Điển hình như vấn đề bò sữa chết hàng loạt và vấn đề sạt lở.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Lâm Đồng có nhiều sản phẩm nông nghiệp đứng đầu vùng Tây Nguyên và cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của địa phương đạt 245 triệu đồng/ha.

Lâm Đồng cũng là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao ở vùng Tây Nguyên và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Lâm Đồng còn nhiều hạn chế.

Trong đó, các vụ vi phạm về lâm nghiệp, phá rừng còn diễn biến phức tạp, một số dự án còn chậm như hồ chứa nước Ta Hoét, Đông Thanh..

"Lâm Đồng là địa phương xảy ra tình trạng sạt lở nhiều và đã được cấp khoảng 280 tỷ đồng phòng chống thiên tai, sạt lở", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua địa bàn Lâm Đồng xảy ra tình trạng bò sữa chết do bệnh tiêu chảy. Cơ quan chức năng vào cuộc và bước đầu xác định bò nhiễm bệnh tiêu chảy có sự liên quan từ việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức các phương án hỗ trợ người dân.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Về vấn đề Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn khi vướng vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng), đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang rà soát, cập nhật. Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Lâm Đồng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để có phương án giải quyết.

Tìm mọi nguồn vốn để hỗ trợ Lâm Đồng thực hiện các dự án đường cao tốc

Tại buổi làm việc, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính xem xét, thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Lâm Đồng lập, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thiết kế, bồi thường tái định cư, cập nhật tổng vốn đầu tư, điều chỉnh tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án.

Việc điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia 2 dự án đường cao tốc mà Lâm Đồng kiến nghị sẽ nâng phần vốn ngân sách lên 8.910 tỷ đồng đối với tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; hơn 8.680 tỉ đồng đối với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Việc điều chỉnh không làm tăng nguồn vốn ngân sách quá 50%.

Hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương hiện có một số đoạn bị chồng lấn với vùng thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866).

Tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận vùng chồng lấn nhỏ, trữ lượng thấp. Do đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho giữ nguyên hướng tuyến đối với 2 dự án cao tốc này, sẽ giúp triển khai 2 dự án nhanh hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang cùng tỉnh Lâm Đồng tìm mọi nguồn vốn để hỗ trợ Lâm Đồng thực hiện các dự án đường cao tốc.

Hai dự án nói trên đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Việc điều chỉnh như tỉnh Lâm Đồng đưa ra là phù hợp, tuy nhiên cần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán bố trí nguồn vốn từng giai đoạn phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn tại buổi làm việc.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trình bày nếu thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư với sự tham gia hỗ trợ vốn của Nhà nước tối đa 50% thì sẽ không khả thi do kéo dài thời gian hoàn vốn (hơn 48 năm).

Việc kéo dài thời gian hoàn vốn liên quan đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Để giảm thời gian hoàn vốn xuống còn 26,9 năm, giải quyết được 2 nút thắt tài chính ở trên thì Nhà nước cần tham gia vốn với tỉ lệ chiếm 70%.

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng cho triển khai cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030 và chấp thuận phương án tăng vốn ngân sách nhà nước với tỉ lệ chiếm 70% để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan đầu mối có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa phối hợp tính toán cụ thể các giai đoạn đầu tư, phân bổ ngân sách.

Trong đó, làm rõ sẽ dùng ngân sách trung ương ở tỉ lệ nào và ngân sách địa phương ra sao. Từ đó hoàn thiện phương án tài chính cho dự án, trong đó lưu ý làm rõ phân kỳ đầu tư cũng như hoàn vốn.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu kết luận: "2 tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nếu làm được cả 2 thì tốt quá. Nếu nhắm không làm kịp thì chọn 1 trong 2 tuyến rồi quyết liệt làm cho xong. Vốn trung hạn đã bố trí rồi, nếu không làm thì hết năm sau là phải làm lại từ đầu cả".

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng phân công Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các bộ ngành, tỉnh Lâm Đồng xử lý các chỗ vướng mắc để triển khai cao tốc. Chậm nhất 15/9/2024 phải có đầu ra. Không để loay hoay vì mấy chuyện liên quan đến Quyết định 866 nữa".

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng đánh giá cao việc an sinh xã hội tại địa phương được đảm bảo, các lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ du lịch có sự phát triển tốt, đi đầu vùng Tây Nguyên.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, năng lực cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng giảm sút, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa được tốt. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên còn hạn chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Lâm Đồng còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển và bứt phá, vì đây là địa phương có vị trí chiến lược tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, có tiềm năng về du lịch và có lợi thế lợi thế phát triển công nghiệp chế biến.

Nguyễn Phi Long

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/3-dot-pha-giup-tinh-lam-dong-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-204240825195323812.htm