3 giả thiết về trường hợp F1 âm tính nhưng F2 dương tính với SARS-CoV-2
Bộ Y tế nhận định, đây là trường hợp mắc COVID-19 tương đối phức tạp tại TP.HCM, đồng thời đưa ra giải thiết cho tình huống này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, sau khi thống nhất với lãnh đạo thành phố, Bộ đã đề nghị tất cả các mẫu lấy, xét nghiệm COVID-19 bằng Realtime-PCR phải được trả kết quả ngay trong ngày, không để chậm trễ, như vậy sẽ tăng tốc độ truy vết.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) là đơn vị điều phối các đơn vị trực thuộc và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, xử lý các mẫu nhanh nhất.
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến chiều 10/9 (29 Tết), do Phó Thủ tướng Vũ Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 chủ trì với UBND TPHCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, tình huống xảy ra tại TP.HCM tương đối phức tạp. Các trường hợp F1 sau khi đã xét nghiệm âm tính lại phát hiện trường hợp F2 dương tính với virus SARS-CoV-2 tại tổ bốc xếp hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).
Do vậy, trước việc lây truyền từ F1 âm tính sang F2 dương tính - trở thành F0, các lực lượng đã làm xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 đối với tất cả nhân viên VIAGS. Đến tối 9/2, đã phát hiện 2/570 xét nghiệm có kháng thể với virus SARS-CoV-2.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng các giả thuyết, trong đó có 2 giả thuyết nổi trội: Thứ nhất, F1 đã qua thời gian kháng nguyên dương tính và trở thành âm tính, còn F2 được phát hiện đang ở giai đoạn kháng nguyên dương tính; thứ hai, F1 có thể chính là F0 đầu tiên lây cho BN1979, sau đó lây cho các trường hợp F2 có tiếp xúc với F1 (hiện có kết quả âm tính).
“Chúng tôi kỳ vọng, với việc xét nghiệm kháng thể diện rộng ở trong địa bàn TP.HCM, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất và trong cộng đồng sẽ giải được bài toán của những trường hợp xuất hiện có thể lây truyền trong nội bộ của sân bay, đội bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất và trong cộng đồng. Trong thời gian tới, với những biện pháp quyết liệt của Ban Chỉ đạo TP.HCM, sự hỗ trợ của Bộ Y tế... sẽ giúp cho thành phố có thể nhanh chóng khống chế dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, trước mắt, Bộ Y tế sẽ gom, chuyển cho Thành phố Hồ Chí Minh 30.000 test xét nghiệm kháng nguyên để tầm soát và đánh giá lây lan của dịch bệnh.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh TP.HCM, Bộ Y tế đã phản ứng nhanh, bài bản trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Liên quan đến việc phát hiện các trường hợp F2 (liên quan đến F1) dương tính với virus SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài 2 giả thuyết Bộ Y tế đưa ra, còn có khả năng ca F2 là F1 của ổ khác, chưa được phát hiện ra.
“Khả năng có mầm bệnh trong thành phố nhưng chưa bùng phát mạnh ra cộng đồng, chỉ phát hiện ra khi thực hiện các biện pháp tầm soát, giám sát trọng điểm. Thời gian qua, ngành Y tế cả nước đã tầm soát thường xuyên, thực hiện khám bệnh tất cho người có triệu chứng ho, sốt khi đến bệnh viện trong suốt thời gian qua nên nguy cơ mầm bệnh xuất hiện trong cộng đồng bớt lo ngại hơn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm chống dịch ở Quảng Ninh, TP.HCM cần linh hoạt tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm ở nơi có nhiều người qua lại như quán nước gần bến xe hoặc quán cafe ở một số khu vực cửa ngõ, gần các nhà máy...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Là nơi đầu tiên xây dựng các bộ tiêu chí “chấm điểm” phòng chống dịch cho các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, bến xe…, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế, trường học, nhà máy, bến bãi, phương tiện công cộng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật thường xuyên lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19./.