3 học sinh chế tạo robot cho người khuyết tật và mong muốn được nhân rộng
3 học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) cùng nhau mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm robot AI FBM dành cho người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên, 3 học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) gồm Nguyễn Long Nhật, Lê Xuân Bách và Đinh Long Thưởng đã cùng nhau mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm robot AI FBM dành cho người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn.
Theo chia sẻ của Long Nhật, thành viên của nhóm, các học sinh này nhận thấy người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn rất khó trong quá trình di chuyển, sinh hoạt, phải nhờ người thân chăm sóc, điều này thôi thúc 3 học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn "phải làm việc gì đó thật hữu ích giúp người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn".
Sản phẩm robot AI FBM nhằm giảm thiểu những rào cản, khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật trong hòa nhập cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội, tự mình vận động mà không phải nhờ vả người khác.
Có ý tưởng, cả 3 học sinh đã mạnh dạn đề xuất với thầy Phạm Phóng Viên, Bí thư Đoàn trường và được sự ủng hộ của thầy giáo hướng dẫn cùng ban giám hiệu nhà trường.
Tháng 5/2024, các em bắt đầu thực hiện ý tưởng.
Trung tuần tháng 6, sản phẩm robot AI FBM được hoàn thành gồm 2 phần chính là phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng là khung nhựa giống hình người; phần mềm là các cảm biến siêu âm, cảm biến hồng ngoại, ăng ten hỗ trợ thu sóng điện thoại, bộ kích điện, vi xử lý Arduino… với tổng trọng lượng gần 1,5kg.
Robot AI FBM giúp người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn nhận biết được chướng ngại vật khi qua đường, định vị GPS báo về cho người thân thông qua điện thoại. Đồng thời thông báo thời tiết sáng, tối giúp họ nắm rõ thời gian và giữ đồ đạc tư trang cá nhân có giá trị, cũng như có gắn camera hành trình lưu trữ thông tin theo hình thức video hình ảnh khi người sử dụng lưu hành để làm bằng chứng khi gặp sự cố; cảm biến giúp họ giới thiệu bản thân và một số đoạn ghi âm cần thiết.
Cũng theo chia sẻ của nhóm học sinh, robot AI FBM sẽ được người khuyết tật mất khả năng nói, nhìn mang khi di chuyển. Robot này sẽ giúp người khuyết tật phát hiện vật cản phía trước và hai bên cũng như xung quanh, cảm biến sẽ nhận tín hiệu gửi về vi xử lý Arduino. Vi xử lý Ardruino sẽ xử lý tín hiệu và đưa thông tin tới Module giải mã âm thanh để tiếp tục xử lý dữ liệu và kích điện phát ra âm thanh lưu sẵn trong thẻ nhớ, quá trình này diễn ra không quá 1 giây giúp người sử dụng tiếp cận thông tin nhanh nhất có thể.
Trường hợp người sử dụng chẳng may té ngã, robot sẽ phát ra âm thanh kêu cứu, sau 10 giây vẫn chưa đứng dậy, robot AI FBM sẽ gọi về số điện thoại người thân đã cài đặt sẵn.
Robot AI FBM được cài đặt sẵn 3 số điện thoại người thân của người khuyết tật, trong quá trình liên lạc với người thân, nếu không gọi được số thứ nhất, robot sẽ chuyển sang số thứ hai, thứ ba. Sau cuộc thoại, robot tiếp tục gửi tin nhắn cảnh báo.
Khi trời tối, robot sẽ phát ra âm thanh cảnh báo người dùng biết.
Cảm biến điện dung cũng kêu gọi sự giúp đỡ cho người khuyết tật khi họ qua đường bằng cách gửi dữ liệu về vi xử lý Arduno và sẽ cung cấp nguồn cho loa hoạt động.
Để chế tạo ra được robot hoàn chỉnh như hiện tại, thầy và trò cũng đã trải qua nhiều lần lắp ráp thất bại, nhưng cả nhóm quyết tâm không bỏ cuộc.
Theo thầy giáo Phạm Phóng Viên - người trực tiếp hướng dẫn cho 3 học sinh - đánh giá cao ý tưởng làm robot cho người khuyết tật đầy tính nhân văn và mang ý nghĩa cộng đồng của 3 học sinh Nguyễn Long Nhật, Lê Xuân Bách và Đinh Long Thưởng. Thầy Phóng Viên nhấn mạnh, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào dạy và học, trong đó đẩy mạnh việc sáng tạo khoa học kỹ thuật cho các lớp học để khơi dậy tinh thần nghiên cứu, cũng như phát hiện, bồi dưỡng niềm đam mê sáng tạo cho các em.
Được biết, hiện sản phẩm robot AI FBM sẽ tham gia dự thi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 9 (năm học 2023-2024) và tiếp tục được thầy trò cùng hoàn thiện các tính năng ưu việt.
Cả thầy và trò bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để phát triển và nhân rộng sản phẩm, giúp người người khuyết tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.