3 kỳ vọng lớn của Mỹ trong quan hệ mới với Syria
Mỹ có thể kỳ vọng nhiều điều trong mối quan hệ mới với Syria, trong bối cảnh quốc gia Tây Á này có nhiều thay đổi kể từ cuối năm 2024.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây có loạt động thái nhằm tăng cường quan hệ với chính quyền mới của Syria.
Trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 5, ông Trump đã bất ngờ thông báo Mỹ sẽ đình chỉ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm trao cho Syria "một cơ hội để có được sự vĩ đại".
Tiếp đến, hôm 30-6, ông Trump đã ký một sắc lệnh chấm dứt hầu hết lệnh trừng phạt nhằm vào Syria. Động thái này là một tín hiệu cho các quốc gia và tổ chức tài chính rằng họ có thể nối lại các giao dịch kinh tế với Syria mà không lo vấp phải sự phản đối từ Mỹ.

Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Shara (phải) ký một văn bản vào tháng 3. Ảnh: AFP
Trong vài tháng qua, các quan chức Mỹ đã đưa ra một số kỳ vọng về cách Syria xử lý các vấn đề có tầm quan trọng trong nước và khu vực, chẳng hạn an ninh và quan hệ với các quốc gia láng giềng.
Dưới đây là những điều Mỹ kỳ vọng ở chính quyền mới tại Syria, sau động thái dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo tờ The New York Times.
Giải quyết những vấn đề lớn trong nước
Ưu tiên hàng đầu của Mỹ về Syria được cho là tìm cách hủy bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria, vốn được bắt đầu từ những năm 1970, bao gồm các kho dự trữ khí sarin, khí clo và khí mù tạt.
Năm 2013, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc đã cử các thanh tra viên đến đóng cửa 27 địa điểm liên quan sản xuất vũ khí hóa học tại Syria. Gần đây, chính quyền mới của Syria cũng đã mời các chuyên gia đến và đang hợp tác chia sẻ thông tin về các kho dự trữ còn lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính vẫn còn tới 100 địa điểm dự trữ và việc kiểm soát, phá hủy các địa điểm này sẽ là một điều khó khăn, nhất là khi Syria vẫn đang bị xung đột chia cắt.
Một vấn đề khác là từ năm 2011, nhiều thành viên các nhóm vũ trang Hồi giáo đã đến Syria. Nhiều người trong số này đã gia nhập các nhóm cực đoan như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc nhánh Al Qaeda ở Syria.
Trong nhiều năm, các quan chức Mỹ lo ngại rằng việc cho phép những chiến binh nước ngoài này ở lại Syria có thể tạo điều kiện cho họ lập kế hoạch tấn công khủng bố ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời Syria – ông Ahmed al-Shara không đồng ý về việc trục xuất những người này. Trên thực tế, ông al-Shara còn đưa một số người trong nhóm này vào lực lượng của chính quyền mới.
Các quan chức chính quyền mới luận rằng việc đưa những người này trở về quê hương của họ là gần như không thể. Họ cũng cảnh báo rằng việc trục xuất những người này khỏi Syria có thể gieo rắc sự chia rẽ và làm mất ổn định hệ thống chính quyền mới.
Quan hệ hòa bình với Israel
Mỹ mong muốn Syria không trở thành mối đe dọa đối với các đồng minh quan trọng trong khu vực, đặc biệt là Israel.
Trong chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã gặp Tổng thống lâm thời al-Shara. Trong cuộc gặp, ông Trump đã đề nghị ông al-Shara thực hiện các bước để bình thường hóa quan hệ với Israel – quốc gia vốn từ lâu có mối quan hệ căng thẳng với Syria.
Ông Trump cũng hy vọng Syria sẽ tham gia Hiệp định Abraham – hiệp định thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ tại Syria – ông Thomas Barrack cũng cho biết ông hy vọng Syria ký một hiệp ước không xâm phạm với Israel. Các nhà ngoại giao và quan chức Israel cho biết đại diện của hai nước đã có cuộc họp kín.
Ngoài ra, trước đây, chính quyền của Tổng thống Syria bị lật đổ – ông Bashar al-Assad đã cho phép một số nhóm vũ trang người Palestine hoạt động tại Syria. Theo The New York Times, Mỹ từng bày tỏ mong muốn Syria sẽ loại các nhóm vũ trang khỏi nước này – một động thái hẳn sẽ được phía Israel hoan nghênh.
Vào tháng 4, chính quyền của ông al-Shara đã bắt 2 thành viên cấp cao của nhóm vũ trang Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) – một nhóm vũ trang vốn có quan hệ thân thiết với nhóm vũ trang Hamas (Dải Gaza).
Tuy nhiên, việc thực hiện động thái này trên quy mô lớn được dự đoán là không dễ dàng, do các nước láng giềng khác của Syria cũng không có khả năng tiếp nhận các nhóm vũ trang này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh (Saudi Arabia) vào tháng 5. Ảnh: AFP
Giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp Mỹ
Ưu tiên hàng đầu của ông Trump là tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong cuộc chiến ở Syria, từ những người bị IS bắt cóc và giết hại, cho đến những người mà số phận vẫn chưa rõ ràng, bao gồm nhà báo người Mỹ Austin Tice.
Theo The New York Times, ông al-Shara dường như ủng hộ nỗ lực này. Ông đã gặp mẹ của nhà báo Tice và đã gặp các thành viên gia đình của hàng chục ngàn người Syria có người thân cũng vẫn đang mất tích.
Bên cạnh đó, kể từ nội chiến Syria năm 2011, Mỹ đã hợp tác với lực lượng dân quân Syria do người Kurd lãnh đạo. Theo The New York Times, đến nay, lực lượng Mỹ vẫn ở lại khoảng 8 căn cứ được thành lập với lực lượng dân quân Syria do người Kurd lãnh đạo.
Đặc phái viên Barrack cho biết mục tiêu của Mỹ là rút xuống còn 1 căn cứ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/3-ky-vong-lon-cua-my-trong-quan-he-moi-voi-syria-post858868.html