3 lần dắt con bỏ trốn vì chồng ngáo đá vác dao đuổi chém
'Đây là lần thứ 3, tôi dắt các con bỏ trốn khỏi nhà chồng. Giờ ngồi nghĩ lại hơn chục lần suýt bị chồng chém chết khi lên cơn ngáo đá, tôi vẫn nổi da gà. May mà ông trời vẫn thương, cho tôi sống sót để nuôi 3 đứa con thơ' - chị Trần Thị Biên, 37 tuổi, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) kể.
Đã rất nhiều lần chị muốn ly hôn để thoát khỏi người chồng nghiện ngập, nhưng vì thương con, muốn con có bố, chị lại ra tòa rút đơn về. "Lần nào nộp đơn ra tòa cũng là đơn phương phía tôi thôi, chồng không bao giờ ký đơn. Lần này, tôi đã hoàn thiện thủ tục ly hôn như tòa án hướng dẫn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu chẳng may tòa xét xử để một đứa con nào lại với người bố như thế, tôi lại không đành. Nên tôi chưa nộp đơn vội, cứ dắt 3 con trốn thoát khỏi nơi đáng sợ ấy đã" - chị Biên bộc bạch.
Chị tâm sự: "Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay là 13 năm, có 3 đứa con, 1 gái, 2 trai. Tôi đã nghĩ rất nhiều, muốn ly hôn để giải thoát cho mình, cho các con đỡ phải sợ hãi mỗi lần nhìn bố đánh, đuổi chém mẹ, nhưng tôi chỉ làm người đi rửa bát thuê, làm giúp việc nhà, đồng lương hạn hẹp, ra tòa tôi lo không được nuôi cả 3 con. Tôi thà đói rách một chút, chứ không thể để các con sống trong sợ hãi, bất an mãi được".
Sau một ngày chị đi rửa bát thuê cho nhà hàng ăn ở ngoại thành Hà Nội về, cô chị lớn nhất 12 tuổi đã biết giúp mẹ nấu cơm, tắm cho 2 em. Căn nhà trọ mới thuê được 2 tuần khá tuềnh toàng của mẹ con chị Biên không có gì đáng giá, ngoài chiếc đài cát xét cũ do chủ nhà để lại cùng những đồ dùng nấu bếp, ít đồ quần áo của 4 mẹ con.
Gương mặt chị Biên xương xương, dáng người gầy nhỏ, mái tóc cắt ngắn quăn queo, nhưng chị vẫn cố cười khen các con ở nhà trông nhau, chơi với nhau ngoan để mẹ yên tâm đi làm. "Đang kỳ nghỉ hè, nên 3 đứa cũng không đi đâu được. Đi đâu lại lo nhỡ bố đi tìm mà bắt về, nên mấy chị em chỉ loanh quanh chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây ở sân, rồi nghe đài để biết tin tức thời sự, nghe ca nhạc cho vui nhà. Tôi đang nhờ chủ nhà trọ giúp đỡ xin đi học cho các con ở nơi này, để chuẩn bị vào năm học mới" - chị Biên nói.
"Có bố nghiện ma túy khổ thế đấy, mấy lần chạy trốn các con đều phải ở nơi mới, xin học ở trường mới, may mà các con tôi cũng thương mẹ, chịu khó học. Cậu út năm nay vào lớp 1, nên cũng bắt đầu vất vả hơn khi phải rèn chữ, mẹ bận đi làm, tất cả nhờ chị lớn ở nhà kèm em thôi" - chị Biên khẽ xoa đầu con trai út mà không giấu nổi nỗi xót xa.
Chị Biên sinh ra ở gia đình nghèo, nên mấy chị em chỉ học hết cấp 2, cấp 3 là nghỉ học đi làm thuê cùng bố mẹ. Ngày ấy, khi ngoài 20 tuổi, có người mai mối đến nói chị chuẩn bị đi lấy chồng. Vậy là chỉ nhìn qua người đàn ông có vẻ hiền lành kia cùng mấy người họ hàng trong đoàn đến xem mặt con dâu tương lai, chị nói không muốn đi lấy chồng ngay, nhưng bố mẹ chị đã gật đầu nhận trầu cau của nhà trai. Chỉ hơn 1 tháng sau, chị nhắm mắt lên xe hoa về nhà chồng.
Chồng chị là con trai một, có chị gái đã đi lấy chồng xa, thành thử chị về ở chung với bố mẹ chồng. Vợ chồng lấy nhau không có tình yêu, nên đêm tân hôn đều ngượng ngùng, xấu hổ, lúng túng. "Nhưng mỗi ngày, anh ấy lại dễ gần, muốn gần gũi vợ nhiều hơn. Nằm ngủ bao giờ cũng để vợ gối đầu tay rất tình cảm. Ở cùng bố mẹ chồng, nên tôi cũng giữ kẽ hơn khi ăn uống, sinh hoạt, nhưng chính anh ấy lại giúp tôi xóa đi rất nhanh khoảng cách mẹ chồng nàng dâu. Giúp vợ những việc nặng trong nhà như dắt xe máy lên bậc thềm, pha, cắt từng đoạn tre để vợ chẻ nan làm chổi tre đi bán cùng mẹ chồng" - chị Biên khẽ cười trong niềm hạnh phúc thoáng qua.
Nhưng chỉ có bây nhiêu thôi, khi chị sinh con đầu lòng được 3 tháng thì nghe tin chồng bị Công an xã bắt đi cai nghiện. Nỗi buồn của cuộc hôn nhân không tình yêu đến với chị từ đây. Hàng ngày, chị vừa nuôi con thơ, vừa cùng mẹ chồng chẻ chổi tre đi giao bán, vừa tranh thủ tiết kiệm để đi thăm nuôi chồng ở trại cai nghiện. "Để động viên chồng, lần nào tôi cũng ở lại trại 1 ngày trong căn phòng hạnh phúc để trò chuyện, mong anh ấy cai nghiện thành công vì vợ con" - chị Biên kể.
Ngày chồng ra trại cũng đến. Chị cùng con đi taxi đón chồng về trong niềm vui, hy vọng tràn đầy. Anh cũng hứa sẽ không tái nghiện, sẽ cùng vợ đi làm chăm nuôi con. Nhưng lời hứa ấy, sự cố gắng ấy cũng chỉ được khoảng vài ba tháng, công việc đi làm bảo vệ do người thân xin cho, anh cũng bỏ bê. Anh lại bập vào ma túy mà không thể dứt. Tiền vợ tiết kiệm được, anh lấy trộm mua ma túy hết.
Cứ thế, anh bị bắt đi cai nghiện lần 2, nhưng cai về lại đâu vào đó. Không có tiền đi mua ma túy, anh chửi mắng, đánh đập vợ như bao tải. "Hồi chồng nghiện thì tôi chỉ bị đánh thâm tím mặt mày, ê ẩm người, nhưng khoảng 3 năm nay, anh ta chuyển sang ngáo đá mới khủng khiếp. Lần gần nhất cách đây 1 tháng, tôi đã cho các con ngủ rồi, chưa thấy chồng về nên vẫn cố thức đợi. Hôm ấy, ăn tối vui vẻ xong, chồng đi đâu đó đến 12 giờ đêm về. Tôi nghe tiếng mở cổng vừa kịp ngồi dậy, thì anh ta vác dao quát tháo ầm ĩ: "Con Biên đâu?". Tôi lay vội con lớn dậy chốt chặt cửa, định ra cầu thang chạy mà không kịp, tôi đành trèo qua lan can, đu vào ống quần bò mà lúc chiều các con nghịch đã buộc chơi ở ống nước, rồi nhảy xuống tầng 1, ngã đau điếng người mà vẫn cố chạy ra cổng thoát thân" - chị Biên rùng mình nhớ lại và dặn con: "Hễ thấy bố đuổi đánh mẹ, con phải dậy ngay chốt cửa chặt để lo cho các em an toàn. Không phải lo gì cho mẹ, mẹ sẽ cố chạy thoát. Khi nào bố tỉnh lại, mẹ sẽ về. Bởi nếu tôi cứ cố thủ trong phòng, sợ anh ta đập phá cửa sẽ làm các con sợ hãi, kêu khóc. Nhỡ đâu càng kích động thần kinh ngáo đá của anh ta, mà có thể nguy hiểm sẽ đến với các con".
"Hơn chục lần bị chồng lên cơn ngáo đá đuổi chém, có lần tưởng anh ta chém thẳng vào đầu tôi chết luôn rồi. Khi ấy, tôi không chạy kịp, mở cổng mà tay run quá cắm chìa mãi không xong. Tôi đã nhắm mắt đợi chết, thì may sao mẹ chồng chạy đến can ngăn, giằng lại con dao. Nhân lúc anh ta xô đẩy ngã mẹ già, tôi đã chạy thoát. Lần nào chồng lên cơn ngáo đá xong, tôi cũng sợ hãi không dám về nhà. Cứ phải chạy sang nhà họ hàng chồng gần đó xin trú tạm qua đêm ở phòng khách. Hôm sau, anh ta đi tìm vợ, lại tình cảm ôm vai và xin lỗi vợ" - chị Biên kể.
Chị Biên quả quyết, lần này, chị phải đưa các con đi trốn, và chắc chắn sẽ không quay về như trước đây nữa, dù cho chồng có tìm được mẹ con chị. "Tôi đã sống khổ sở, bất an nhiều năm qua, chưa một đêm nào dám ngủ ngon giấc khi chồng chưa về nhà, chưa ngủ say. Tôi tạm thời chưa cần ra tòa vội, vì không định lấy chồng lần nữa, nên ly hôn hay không, với tôi bây giờ không quan trọng. Chỉ mong anh ta để yên cho 4 mẹ con tôi sống, đừng bắt mẹ con tôi phải quay về. Bởi nếu không, tôi chỉ còn cách ly hôn để thoát khỏi người chồng nghiện ngập, ngáo đá, vũ phu như anh ta thôi" - chị Biên kể trong nỗi buồn về cuộc đời mình và xót xa cho cuộc sống lang bạt của 3 đứa con nhỏ. Giờ đây, mẹ con chị chỉ mong được sống bình yên như bao gia đình khác mà sao khó khăn đến thế!
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)