3 loại hành vi đáng lên án vẫn nhan nhản trên đường

Lái xe không hiểu luật, hoặc hiểu nhưng cố tình không tuân thủ chính là bệnh trầm kha của giao thông Việt Nam.

Một chiếc xe bật đèn làm lóa mắt người đi ngược chiều trên QL 18 tối 29/1

Một chiếc xe bật đèn làm lóa mắt người đi ngược chiều trên QL 18 tối 29/1

Để có văn hóa giao thông, mỗi cá nhân khi ra đường phải có ý thức, từ việc đi bộ chứ đừng nghĩ ngồi lên xe mới cần tuân thủ Luật Giao thông.

Việc ra quân tăng cường xử phạt, tăng nặng mức phạt cũng chỉ là biện pháp buộc phải làm để vãn hồi tình trạng tai nạn đang gây quá nhiều bức xúc chứ không phải là gốc rễ của vấn đề.

Mức phạt tăng mà không đi sâu vào tuyên truyền, đào tạo và xây dựng một nền văn hóa khi tham gia giao thông thì bệnh có thuyên giảm chứ không để khỏi hẳn được.

Cấm uống rượu bia lái xe là điều cần thiết, nhưng cũng đừng kỳ vọng vào việc giảm sâu tai nạn giao thông. Bởi khi tham gia giao thông mà không có ý thức thì không uống rượu bia cũng vẫn gây ra tai nạn bình thường.

Số liệu tai nạn 7 ngày nghỉ Tết cho thấy số người chết vì TNGT so với cùng kỳ năm 2019 mới giảm được 5%. Rõ ràng, nguyên nhân chính gây ra tai nạn vẫn là ý thức. Uống rượu bia không điều khiển phương tiện chỉ là một phần trong cái gọi là ý thức của người lái xe mà thôi.

Vậy ý thức kém ở đây là gì? Cá nhân tôi thấy có những quy định cơ bản mà rất nhiều người tham gia giao thông hiện nay không tuân thủ. Thậm chí còn tự hào khi bất chấp các quy tắc.

Thứ nhất là bất chấp tín hiệu đèn và loạn đèn.

Thật tồi tệ khi ai đó không chấp hành tín hiệu đèn báo, cố vượt hoặc chưa hết đèn đỏ đã vượt. Thử nhớ lại cảm giác của bạn khi cả dòng xe đang hối hả chạy theo đèn xanh thì bỗng có chiếc xe vượt đèn đỏ lao đến. Nếu may không đâm thì cũng cản trở, gây ùn tắc ngay lập tức.

Nhiều người đã chửi thề khi gặp tình huống thế này. Thật tiếc là chúng ta cứ liên tục phải buột miệng nói những lời như thế. Lại có người nói mức xử phạt hành vi này đang quá nhẹ nên mới diễn ra phổ biến đến thế!

Một vi phạm có thể gây tai nạn chết người nữa mà rất ít khi phải chịu tội đó là dùng sai đèn pha, cốt (chiếu xa, gần).

Ngoài việc cho mọi người thấy sự ngu dốt kém hiểu biết thì những người sử dụng đèn sai cách còn bộc lộ thói ích kỉ hại người. Đường mình thì rõ mà người đi ngược lại thì như bị mù quá chói lóa. (Xem thêm ảnh minh họa). Ở những tuyến đường không có dải phân cách thì tai nạn là điều dễ hiểu.

Một lỗi phổ biến khác là không dùng đèn xi nhan khi chuyển làn. Cứ 100 chiếc thì có đến hơn nửa chuyển làn vô tư không báo hiệu, đánh võng ra vào làn ầm ầm. Việc đó tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Thứ hai: Không tuân thủ biển báo tốc độ

Đừng nghĩ rằng lái xe cứ chạy chậm là tốt. Điều cần làm là chạy đúng tốc độ tối thiểu và tối đa được quy định theo biển báo. Thật lạ khi ở Việt Nam, trên cao tốc, nhiều lái xe lao vun vút ở làn trong cùng để vượt. (Vô phúc cho xe nào gặp sự cố cần tạt vào làn trong cùng để chờ cứu viện). Trong khi ở làn tốc độ tối đa thì lại nghễu nghện những bác tài chạy đủng đỉnh. Thật ức chế vô cùng.

Thứ ba: Sai làn đường

Muốn tìm minh chứng cho lỗi này xin mời ra đứng ở các ngã tư, chỗ nào không có CSGT đứng. Vô vàn xe đỗ đèn đỏ lấn sang phần đường đối diện, rồi chạy cả lên vỉa hè. Ô tô thì tranh làn xe máy, xe máy lại đỗ ở làn ô tô.

Thực tế thì các nút thoát của Vành đai 3 trên cao ở Hà Nội phần nhiều bị ùn, tắc do các xe lấn làn, cứ gần đến chỗ rẽ mới tạt sang.

Những lỗi cơ bản từ ý thức kém của người tham gia giao thông được liệt kê trên đây tưởng chừng đơn giản nhưng lại là những nguyên nhân dễ dẫn tới tai nạn và ùn tắc giao thông.

Tựu chung, lái xe không hiểu luật, hoặc hiểu nhưng cố tình không tuân thủ chính là bệnh trầm kha của giao thông Việt Nam.

Phạt nặng để thay đổi hành vi là việc phải làm. Nhưng quan trọng không kém là truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội.

Phải khiến những người vi phạm quy tắc và Luật Giao thông thấy xấu hổ, thấy mình đi ngược lại những tiêu chuẩn chung của số đông. Phải khiến những hành vi này bị chỉ trích, bị lên án giống như ta đã làm được trong chiến dịch truyền thông nói không với rượu bia khi tham gia giao thông vừa qua.

Nếu không dồn tổng lực làm được như làm cuộc cách mạng xóa mù chữ năm nào, thì ban hành Nghị định nào đi nữa cũng cần rất lâu mới giảm sâu được tai nạn giao thông. Bởi pháp luật nào cũng cần có lực lượng thực thi, mà vi phạm hiện nay nhiều đến mức không biết bao nhiêu cảnh sát mới có thể xử lý được hết sai phạm.

Thiện Bảo

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/3-loai-hanh-vi-dang-len-an-van-nhan-nhan-tren-duong-d450668.html