3 lợi thế giúp U-22 Campuchia đánh bại U-22 Việt Nam

Với lợi thế tinh thần thoải mái, hơn một ngày nghỉ, quen với mặt cỏ nhân tạo..., liệu U-22 Campuchia có tạo 'cú sốc' tại SEA Games 30 trước thầy trò HLV Park Hang-seo?

19 giờ tối nay (7-12), U-22 Việt Nam sẽ đối đầu U-22 Campuchia ở bán kết SEA Games 30 trên sân Rizal Memorial (Philippines). Bóng đá Campuchia lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm mới vào bán kết SEA Games, còn Việt Nam cũng đang tìm kiếm chiếc HCV SEA Games sau 60 năm.

Nền bóng đá Campuchia vẫn đi sau Malaysia nhưng họ lại vượt Malaysia ở SEA Games 30.

Nền bóng đá Campuchia vẫn đi sau Malaysia nhưng họ lại vượt Malaysia ở SEA Games 30.

Thầy trò HLV Park Hang-seo tất nhiên được đánh giá cao hơn rất nhiều so với đội bóng của thầy trò HLV Felix Dalmas. Tuy nhiên, bóng đá Campuchia có những tiến bộ rất lớn trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở cấp độ trẻ. Họ vượt qua chủ nhà Philippines và Malaysia để vào bán kết SEA Games nhờ thực lực chứ không phải may mắn.

Vậy thì U-22 Campuchia có gì trong tay để có thể đánh bại ứng viên số 1 cho ngôi vô địch SEA Games 30, U-22 Việt Nam?

Đầu tiên là lợi thế về thể lực khi U-22 Campuchia có nhiều hơn U-22 Việt Nam một ngày nghỉ trước trận bán kết. Cũng như HLV Park Hang-seo, HLV Felix Dalmas đã “phân bổ” lực lượng rất hợp lý trong từng trận đấu để giúp các cầu thủ hồi phục thể lực nhanh nhất và tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, ở vòng bảng, U-22 Campuchia cũng chỉ thi đấu 4 trận, còn U-22 Việt Nam thi đấu đến 5 trận. Đặc biệt, ở ba trận cuối, U-22 Việt Nam phải vắt kiệt sức lực trước ba đối thủ khó nhất U-22 Indonesia, U-22 Singapore và U-22 Thái Lan. Chính Văn Hậu cũng thừa nhận các cầu thủ Việt Nam không có được thể trạng tốt nhất khi phải ra sân với lịch thi đấu dày đặc như vậy.

HLV Felix Dalmas đang rất thành công với bóng đá Campuchia tại SEA Games 30.

HLV Felix Dalmas đang rất thành công với bóng đá Campuchia tại SEA Games 30.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng nền thể lực của bóng đá Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt dưới thời thầy Park. Sự mệt mỏi của các cầu thủ Việt Nam là có nhưng về nền thể lực họ không hề thua kém ai. Điều đó được thấy rõ khi vào hiệp 2, U-22 Việt Nam thường chơi tốt hơn và ép sân các đối thủ như Singapore, Indonesia hay Thái Lan. Lợi thế của Campuchia như đã nói ở trên, họ hơn Việt Nam một ngày nghỉ nên có thể hồi phục thể lực nhanh hơn Việt Nam.

Vấn đề thứ hai đó là tinh thần, U-22 Việt Nam đặt mục tiêu vô địch SEA Games ngay từ đầu, trong khi Campuchia không có mục tiêu gì khác ngoài việc thi đấu hết khả năng có thể. Việc họ vào bán kết đã là thành công vượt bậc. Dù sau khi vào bán kết, HLV Dalmas tuyên bố Campuchia đặt mục tiêu vô địch nhưng rõ ràng nếu có thua Việt Nam thì Campuchia vẫn có một kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi.

Việc thi đấu với tinh thần thoải mái sẽ giúp đôi chân các cầu thủ trở nên thanh thoát hơn và trong một ngày đẹp trời, Campuchia vẫn có thể khiến các đội mạnh phải ôm hận.

Sân vận động Olympic của Campuchia có mặt cỏ nhân tạo bao năm nay.

Sân vận động Olympic của Campuchia có mặt cỏ nhân tạo bao năm nay.

Lợi thế thứ ba với Campuchia đó là mặt sân cỏ nhân tạo ở sân Rizal Memorial. Campuchia đã quá quen với việc thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo, bởi họ có sân nhà Olympic đặt tại thủ đô Phnom Penh cũng là mặt sân cỏ nhân tạo. Phải đến năm 2023, khi Campuchia đăng cai SEA Games 32, họ mới thi đấu trên sân mới hoành tráng hơn Morodok Techo. Sân này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Sau trận đầu hòa chủ nhà Philippines 1-1, LĐBĐ Campuchia đăng tải hình ảnh nhiều cầu thủ bị chấn thương ngoài da, trầy tay trầy chân vì mặt sân cỏ nhân tạo. Tuy nhiên, cùng với Philippines, U-22 Campuchia là đội thích nghi cực tốt với mặt sân cỏ nhân tạo do đã thi đấu quá quen thuộc với mặt sân này. Đó là một phần nguyên nhân giúp Campuchia có được kết quả tốt trước các đối thủ.

Trong khi đó, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games, U-22 Việt Nam cũng đã tính toán rất kỹ đến việc thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo. Thầy trò ông Park rất nhiều lần tập luyện trên mặt sân nhân tạo nhằm thích nghi với nó. Tuy nhiên, có thể thấy U-22 Việt Nam vẫn còn nhiều loạng choạng và lúng túng khi thi đấu trên mặt sân như thế.

Khả năng thích nghi với mặt cỏ nhân tạo của U-22 Việt Nam chỉ mang tính tương đối, chứ không... tuyệt đối như Campuchia.

Đức Chinh đệm bóng lên trời sau pha dứt điểm hỏng ăn trên chấm 11 m của Tấn Sinh. ẢNH: ANH PHƯƠNG

Đức Chinh đệm bóng lên trời sau pha dứt điểm hỏng ăn trên chấm 11 m của Tấn Sinh. ẢNH: ANH PHƯƠNG

Điển hình nhất là các pha dứt điểm hỏng ăn khó tin của Tiến Linh và Đức Chinh cũng được cho là do mặt cỏ nhân tạo. Đó là pha đối mặt thủ môn của Tiến Linh trong trận thắng U-22 Indonesia 2-1. Mặt sân cỏ nhân tạo khiến quả bóng hơi nảy ở thời khắc Tiến Linh chạm bóng cứa lòng vào góc xa. Điều đó khiến quả bóng bay “lên trời” bỏ lỡ thời cơ nâng tỉ số lên 3-1 cho Việt Nam.

Còn ở trận trước gặp Thái Lan, Đức Chinh cũng gặp một tình huống tương tự khi sút bồi lên trời từ quả đá phạt đền hỏng ăn của Tấn Sinh.

U-22 Campuchia có lợi hơn Việt Nam một ngày nghỉ, họ có tinh thần thoải mái, họ quá quen với việc thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo và họ đã tiến bộ rất nhiều. Tuy nhiên, tất cả điều đó có lẽ chưa đủ để giúp họ sánh với U-22 Việt Nam lúc này. Bởi thực lực của U-22 Việt Nam vẫn còn trên U-22 Campuchia rất xa.

U-22 Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi đối đầu với U-22 Campuchia ở thời điểm này. Nhưng nếu giữ vững phong độ, thi đấu tập trung, tránh những sai lầm cá nhân tai hại thì cửa thắng của thầy trò ông Park vẫn cao hơn rất nhiều so với Campuchia.

GIA ĐỊNH - ẢNH: ANH PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/quoc-te/3-loi-the-giup-u22-campuchia-danh-bai-u22-viet-nam-875829.html