3 luật mới có hiệu lực từ năm 2024
Từ 1.1.2024, người dân cần lưu ý loạt các quy định liên quan đến vấn đề khám chữa bệnh, đấu thầu, căn cứ xét thi đua khen thưởng... có hiệu lực.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9.1.2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2024.
Với 12 chương, 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, đồng thời tiếp tục chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.
Theo đó, đối với người bệnh, Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người bị các bệnh như tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.
Đối với người hành nghề y, Luật đã mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Ngoài ra, nâng cao kỹ năng của người hành nghề bằng cách thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề, từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Riêng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, quy định mới bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành hằng năm.
Theo đó, kết quả tự đánh giá phải cập nhật lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Điều này làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với đó, thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn và cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu, để theo dõi, điều trị người bệnh. Tuy nhiên, tối đa không quá 72 giờ.
Luật Đấu thầu
Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5, ban hành ngày 23.6.2023 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2024.
Luật Đấu thầu 2023đã bổ sung các tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như: Không bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định chi tiết tiêu chí bị cấm tham dự thầu: Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ phải không trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền. Đặc biệt, Luật còn bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Luật Thi đua, khen thưởng
Quy định thi đua, khen thưởng hiện theo quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.
Luật Thi đua, khen thưởng bổ sung nhiều quy định mới về thi đua, khen thưởng với cá nhân, tổ chức trong nước và cả nước người nước ngoài. Theo đó, bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu” cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng; căn cứ xét thi đua không còn căn cứ vào việc đăng ký tham gia thi đua, chỉ căn cứ theo: Phong trào thi đua; thành tích thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.
Bên cạnh đó, căn cứ xét khen thưởng cũng có sự thay đổi, Luật quy định dựa vào: thành tích đạt được (thay vì phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích); tiêu chuẩn khen thưởng; điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích (thay vì trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích). Luật cũng bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng do Chính phủ quy định. Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/3-luat-moi-co-hieu-luc-tu-nam-2024-212591.html