3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm: Áp lực rất lớn về tiến độ, chất lượng hướng dẫn

Chiều 19/6, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình

Theo Chính phủ, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết sẽ phát huy hiệu quả ngay khi thi hành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như là chính sách hỗ trợ tái định cư; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài; quy định mở rộng hạn mức đối tượng nhận chuyển.

Đối với 2 luật còn lại, trong tổng số 198 điều của Luật Nhà ở chỉ có 52 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND… hướng dẫn. Luật Kinh doanh bất động sản có 83 điều trong đó có 21 điều giao Chính phủ, Bộ Xây dựng quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Như vậy, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện được ngay mà không cần hướng dẫn chi tiết. Chẳng hạn như chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án nhà xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội…

Khi thời gian hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi, Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị sửa đổi thời gian có hiệu lực để đảm bảo đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến việc tiếp nhận tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, song Ủy ban Kinh tế lưu ý, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Do đó, cơ quan thẩm tra ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành. 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ.

Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 19/6.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 19/6.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.

"Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương như quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 126…" - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8/2024; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng khó bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đề ra.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật nhằm chuẩn bị điều kiện thực thi của người dân, doanh nghiệp.

Để bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật bao gồm: tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các địa phương; phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm. Đồng thời, đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài...

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/3-luat-ve-bat-dong-san-co-hieu-luc-som-ap-luc-rat-lon-ve-tien-do-chat-luong-huong-dan-153294.html