3 lý do 'bí ẩn' khiến Tào Tháo dù thân mang bệnh nặng vẫn ra tay sát hại Hoa Đà
Mặc dù Hoa Đà là một trong những nhân vật được ca tụng là bậc 'thần y' của Trung Hoa, thế nhưng vị danh y ấy lại có kết cục không hề may mắn dưới tay vị quân chủ khét tiếng.
Hoa Đà được mệnh danh là vị thần ý sống vào những năm cuối thời Đông Hán, là người tinh thông y đạo, am hiểu thuật dưỡng sinh, tuổi tác đã cao nhưng dung mạo vẫn trẻ trung lạ thường.
Thời trẻ, Hoa Đà thường viếng thăm danh sơn động phủ. Một ngày kia ông đến trước hang cổ núi Công Nghi, bỗng nghe thấy có người đàm luận phương pháp chữa bệnh và có nhắc đến tên mình.
Ảnh minh họa
Hoa Đà đến trước bái kiến hai vị trưởng giả: “Y thuật là điều vãn bối yêu thích, chỉ tiếc là không gặp được cao nhân. Mong hai vị hiền giả xét cho lòng thành của kẻ hèn này mà truyền thụ y thuật, cả đời kẻ hèn này sẽ không cô phụ ân huệ của hai vị”.
Một vị lão nhân nói: “Truyền thụ y thuật cũng được thôi, chỉ e rằng ngày sau sẽ liên lụy đến ngươi. Nếu nhà ngươi xem bệnh cho người không phân biệt cao thấp, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cũng không mưu cầu tiền tài, không sợ vất vả, thì mới có thể tránh được tai họa”. Hoa Đà bái tạ lần nữa và nói: “Lời của Thánh hiền, vãn bối không dám quên, nhất định sẽ làm được”.
Hai vị lão nhân cùng cười rồi chỉ tay về phía đông, dặn dò rằng: “Trên giường đá có một quyển sách, nhà ngươi hãy lấy mà xem, nhưng phải mau chóng rời khỏi sơn động, phải giữ bí mật, đừng để cho người bình thường biết”. Hoa Đà vừa cầm quyển sách, quay đầu nhìn lại thì hai vị lão nhân đã không còn ở đó nữa. Hoa Đà sợ hãi vội vàng rời khỏi sơn động, bất thình lình sơn động đổ sụp xuống. Trong quyển sách phần nhiều là những bài thuốc kỳ lạ, hễ dùng là thấy hiệu quả thần kỳ. Về sau, Hoa Đà chưa đến 60 tuổi quả nhiên bị giết chết, dự ngôn của hai vị lão nhân quả thật đã ứng nghiệm.
Tai tiếng để đời về lần thất tín của Hoa Đà với bệnh nhân
Câu chuyện đầu tiên xảy ra vào khoảng thời gian Hoa Đà đang đi ngao du ở vùng Quảng Lăng. Bấy giờ, thái thú nơi đây là Trần Đăng đang sinh bệnh nặng.
Dù trước đó đã được chẩn bệnh bởi rất nhiều thầy thuốc đến từ khắp nơi, thế nhưng tình trạng của vị Thái thú này vẫn không có khởi sắc. Tới khi nghe tin Hoa Đà đang ở vùng này, thủ hạ của ông đã vội vã mời vị thần y ấy tới phủ xem bệnh.
Sau khi bắt mạch cho Trần Đăng, Hoa Đà liền nhanh chóng bắt tay vào chữa trị. Chẳng bao lâu sau, vị Thái thú này đã dần hồi phục.
Tới thời điểm bệnh tình đã hoàn toàn thuyên giảm, Hoa Đà trước lúc rời đi đã căn dặn Trần Đăng:
"Sau này ngài tuyệt đối không được ăn cá. Hơn nữa bệnh tình của ngài vào 3 năm sau sẽ còn tái phát, tới lúc đó ngài nhớ phái người tới nhà tôi lấy thuốc".
Quả nhiên đúng 3 năm sau đó, bệnh tình của Trần Đăng một lần nữa tái phát. Thế nhưng khi thuộc hạ tìm tới nhà Hoa Đà thì chẳng những không gặp được ông mà ngay tới thuốc thang cũng không hề được chuẩn bị trước.
Thuộc hạ của Trần Đăng ở lại đây chờ đợi suốt một thời gian nhưng cũng chẳng thấy bóng dáng thần y. Cuối cùng, Thái thú ấy vì bệnh tình phát tác, lại không có thuốc chữa kịp thời nên đã qua đời trong tức tưởi.
Câu chuyện trên từng được ghi lại trong "Tam Quốc chí – Trần Đăng truyện". Điểm đáng nói nằm ở chỗ, việc Trần Đăng phát bệnh vốn đã nằm trong dự liệu của Hoa Đà từ lâu, thế nhưng vị danh y ấy đã quên mất bệnh nhân cùng với lời hứa hẹn năm xưa của chính mình. Đây vốn không chỉ là vấn đề về chữ tín mà còn liên quan tới tính mạng của một người.
Dùng người thân để ngụy tạo lý do thoái thác trách nhiệm chữa bệnh
Năm xưa sau khi chữa trị thành công cho Chu Thái, danh tiếng của Hoa Đà nhanh chóng được nhiều người biết đến. Bấy giờ, Tào Tháo đang khổ sở vì chứng nhức đầu, liền cho thuộc hạ mời Hoa Đà tới chẩn bệnh.
Do thuốc của vị thần y này vô cùng hiệu nghiệm nên ông được Tào Tháo giữ lại trong quân doanh một thời gian. Tuy nhiên sau đó, Hoa Đà vì nhớ người thân nên đã lấy lý do trong nhà có việc để hồi hương.
Sau khi trở về, ông lại viết một bức thư cho Tào Tháo nói rằng vợ mình bệnh nặng, cần ở lại đây để chăm sóc. Cứ như vậy, Hoa Đà liên tục tìm lý do thoái thác để không trở lại quân doanh Tào Tháo.
Chẳng bao lâu sau, chứng nhức đầu của vị quân chủ họ Tào lại tiếp tục tái phát, ông một mực muốn Hoa Đà trở lại chữa bệnh cho mình nhưng nhiều lần bị từ chối.
Điều này khiến cho Tào Tháo bất mãn vô cùng, liền sai người về tận quê nhà của Hoa Đà để dò xét xem vợ ông có lâm bệnh thật hay không.
Sau khi tai mắt của Tào Tháo biết được vợ Hoa Đà không bị bệnh gì, vị danh y này liền lập tức bị bắt về Tào doanh.
Giai thoại về việc Hoa Đà dùng bệnh tật để đòi chức quyền từ Tào Tháo
Theo tình tiết của "Tam Quốc diễn nghĩa", Hoa Đà sau đó đã khẳng định rằng mình có một biện pháp có thể chữa khỏi chứng đau đầu của Tào Tháo. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải mổ đầu để lấy khối u ra ngoài thì mới hết bệnh.
Tào Tháo vốn tính đa nghi, liền ngờ rằng Hoa Đà có ý định hại chết mình, bèn lập tức tống giam ông vào ngục.
Ảnh minh họa
Một số tài liệu lịch sử khác thì khẳng định, sau khi phát hiện Hoa Đà nói dối về việc vợ bị bệnh, Tào Tháo đã hạ lệnh nhốt ông vào ngục và tra tấn cho tới chết.
Có giai thoại thì truyền lại rằng, Hoa Đà năm xưa luôn bất mãn về việc mình hành nghề y – một thứ nghề bị xếp vào hàng hạ đẳng ở thời bấy giờ.
Vì vậy mà trong quá trình chữa bệnh cho Tào Tháo, ông luôn tìm cách kéo dài thời gian, lợi dụng bệnh tật nhằm gây sức ép, buộc vị quân chủ này phải phong cho mình một chức quan lớn nên cuối cùng mới bị bắt giam và xử tử.
Nhận định về kết cục của thần y Hoa Đà, tờ báo KKNews cho rằng: Sở dĩ một người nổi tiếng yêu mến nhân tài như Tào Tháo lại thẳng tay sát hại thần y Hoa Đà là bởi cách hành xử thiếu chữ tín của nhân vật này.
Kết quả cuối cùng Hoa Đà vẫn đã phải bỏ mạng vào năm 208 dưới tay vị quân chủ khét tiếng Tào Tháo.