3 lý do khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran

Tại sao ông Trump lại cương quyết phá vỡ hiệp định hạt nhân với Iran khi thỏa thuận này chưa bao giờ được coi là mối quan tâm lớn của cử tri Mỹ?

Động thái phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran đã được ghi nhận trong nhiều tháng bất chấp nỗ lực ngăn chặn cuối cùng của các đồng minh và người dân Mỹ. Theo BBC, 3 lý do khiến Tổng thống Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm xóa bỏ di sản cuối cùng của người tiền nhiệm Obama, xoay trục sang Thủ tướng Israel Netanyahu, và sự ủng hộ từ các nhân tố mới.

“Một thỏa thuận hiệu quả hơn đáng lẽ nên được đưa ra vào thời điểm đó,” ông Trump nói về thỏa thuận năm 2016, “nhưng nó đã không xảy ra”.

Tổng thống Trump phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 13/10/2017. Ảnh: Reuters.

Các cuộc khảo sát cho biết đại đa số dân Mỹ đều ủng hộ phương án duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Thực tế, thỏa thuận này không có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cử tri Mỹ như các chính sách nhập cư, thương mại và kinh tế. Vậy lý do cho quyết định cương quyết của Tổng thống Trump là gì?

Xóa bỏ di sản Obama

Tổng thống Trump đã không ít lần phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran bằng những chỉ trích cá nhân. Ông thường xuyên chế nhạo cựu ngoại trưởng John Kerry, một trong những “kiến trúc sư chính” của thỏa thuận, về việc ông này bị gãy chân sau khi ngã xe đạp.

Theo một báo cáo, nỗ lực tiếp cận dân sự với Iran của ông Kerry trong những ngày gần đây đã khiến ông Trump đẩy nhanh quá trình rút khỏi thỏa thuận.

“Ông Kerry chưa bao giờ chấp nhận được thực tế là ông đã nắm trong tay cơ hội nhưng bỏ lỡ nó!,” Ông Trump đăng tải trên Twitter. “Hãy tránh xa các thỏa thuận, John, ông đang gây tổn hại tới đất nước đấy!”

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn nhằm vào các di sản nổi bật của người tiền nhiệm Obama. Chưa đầy một tuần sau khi trở thành Tổng thống, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến tháng 6/2017, ông tiếp tục tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về vấn đề biến đổi khí hậu.

Buổi gặp mặt giữa Tổng thống Trump và Tổng thống tiền nhiệm Obama ngày 10/11/2016. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Tổng thống Trump đã gỡ bỏ chính sách bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp của chính phủ Obama và đưa việc bãi bỏ chính sách y tế Obamacare lên trọng tâm của chương trình nghị sự năm đầu tiên.

Ông Trump cũng quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Cuba, đồng thời hạn chế người dân tới đất nước này. Ông xóa bỏ mọi đề xuất về môi trường và ủng hộ việc bãi bỏ quyền kiểm soát trong thời Obama nắm quyền ở một số định chế tài chính.

“Sau khi ‘khai tử’ hiệp định Paris, cho thỏa thuận Iran ‘sống thực vật’ và ‘moi ruột’ chính sách Obamacare, di sản duy nhất còn sót lại của ông Obama chính là chức Tổng thống của ông Donald Trump”, website bảo thủ The Federlist dẫn lời nhà báo Sean Davis.

Có lẽ đây chính là điều ông Trump muốn.

Xoay trục về thủ tướng Israel

Khi ông Trump lần đầu chạy đua cho chức tổng thống Mỹ, ông không bày tỏ thái độ quá quyết liệt với thỏa thuận hạt nhân Iran. Dù nhận định thỏa thuận này là sai lầm, ông vẫn để ngỏ phương án giữ cam kết của Mỹ.

Sự thay đổi quan điểm của ông Trump bắt nguồn từ sự ủng hộ tuyệt đối của ông dành cho thủ tướng Israel và phe Do thái cứng rắn.

Tổng thống Trump dành toàn sự ủng hộ cho Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Reuters.

Hai ứng viên Tổng thống Ted Cruz và Marco Rubio từng chỉ trích ông Trump vì thái độ trung lập của mình trong đàm phán giữa người Arab và người Israel năm 2016. “Nói rằng tôi ủng hộ Israel thì có lợi gì đâu,” ông Trump nói.

Chỉ một tháng sau đó, Tổng thống Trump phát biểu trước hội nghị thường niên của Ủy ban các vấn đề công Israel rằng “ưu tiên số một là phá bỏ thỏa thuận tồi tệ với Iran”. Ông nêu rõ sự thất bại của thỏa thuận này khi không giải quyết được chương trình phát triển tên lửa địa đạo của Iran.

Ông cũng tuyên bố rằng ngày mà ông trở thành tổng thống cũng sẽ là “ngày mà người Israel bị đối xử như những công dân hạng hai sẽ kết thúc”.

Đúng là từ ngày trở thành tổng thống, ông Trump đã bắt đầu chiến dịch chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, đe dọa áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Palestine, tiếp tục chỉ trích chính phủ Iran và giờ đây là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với quốc gia này.

Sự ủng hộ của các nhân tố mới

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã lúc tiến lúc lùi khi bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, hai cố vấn an ninh cấp cao đều phản đối ý định rúi lui khỏi thỏa thuận này.

Ông Mattis giờ đây là người duy nhất còn sót lại và ảnh hưởng của ông cũng dần trở nên mờ nhạt. Hai người còn lại đã được thay thế bằng Mike Pompeo và John Bolton, hai quan chức được cho là có thái độ cứng rắn với Iran.

Từ chỗ bị phản đối trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, quan điểm chống lại chủ nghĩa đa phương nói chung và Iran nói riêng của Tổng thống Trump đã được các nhân tố mới ủng hộ nhiệt tình.

Sau 15 tháng, ông Trump đã thiết lập được một nhóm tham vấn an ninh có cùng chí hướng - chí hướng giống ông.

TT Trump đe dọa Triều Tiên và Iran tại Liên Hợp Quốc Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, Tổng thống Trump chỉ trích Triều Tiên và Iran hết sức nặng nề và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/3-ly-do-khien-my-rut-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-voi-iran-post841208.html